Mỹ - Trung cùng rắn trong cuộc chiến bán dẫn

(PLO)- Mỹ và Trung Quốc có những bước đi mới mang tính “ăn miếng trả miếng” trong cuộc chiến chất bán dẫn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây, Trung Quốc (TQ) và Mỹ đã liên tiếp có những động thái rắn nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của nhau. Trong khi Mỹ siết chặt hơn nữa các hạn chế với TQ thì TQ đã tung ra nhiều đòn trả đũa.

Trung Quốc đưa ra nhiều giải pháp

Ngày 3-7, Bộ Thương mại TQ đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu đối với hai kim loại là gali và gecmani và một số hợp chất của chúng, vốn là những nguyên liệu chính để sản xuất chất bán dẫn và các thiết bị điện tử, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Gần đây, Mỹ và các đồng minh, đối tác đã đưa ra những hạn chế bán chip và các trang thiết bị sản xuất chip cho TQ nhằm kiềm chế TQ phát triển công nghiệp bán dẫn và AI. TQ cũng trả đũa bằng cách đưa ra những lệnh hạn chế xuất khẩu kim loại thô chế tạo chất bán dẫn và cấm nhập khẩu các sản phẩm của công ty Mỹ.

Bộ Thương mại TQ thông báo lệnh hạn chế này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8 và đây là hành động cần thiết để bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của TQ. Theo đó, các doanh nghiệp ở TQ muốn xuất khẩu hai chất này sẽ phải xin phép Bộ Thương mại TQ và cung cấp thông tin về nơi nhận cuối cùng cũng như cách sử dụng chúng. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc thậm chí phải chịu án hình sự.

Lệnh hạn chế này được đưa ra sau khi TQ hồi tháng 5 đã cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này mua các sản phẩm từ Công ty công nghệ chip Micron của Mỹ do lo ngại về an ninh.

TQ là nhà sản xuất gali và gecmani lớn nhất thế giới, lần lượt chiếm hơn 95% và 67% sản lượng toàn cầu. Theo các báo cáo của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ và Bộ Nội vụ Mỹ, từ năm 2018 đến 2021, Mỹ nhập khẩu hơn 50% mỗi chất từ TQ trong tổng số lượng nhập khẩu hai chất này từ nước ngoài.

Ông Aadil Brar, giảng viên thỉnh giảng ĐH Chính trị Đài Loan, cho rằng lệnh hạn chế xuất khẩu này của TQ dù nhắm đến phương Tây nhưng Mỹ là mục tiêu hàng đầu. Theo ông Brar, gecmani được dùng trong các công nghệ quân sự và TQ đang nhắm vào việc trả đũa hạn chế của Mỹ trong việc bán chip bán dẫn cho các công ty TQ hồi tháng 10, theo SCMP.

Còn ông Paul Triolo, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, cho rằng nếu TQ chọn “vũ khí hóa” chuỗi cung ứng các chất này thì càng làm phức tạp thêm bài toán giảm phụ thuộc TQ của phương Tây, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), bởi phương Tây sẽ mất thời gian và đầu tư đáng kể để có được nguồn cung ứng mới.

Ông Triolo nhấn mạnh rằng Bắc Kinh “gần như chắc chắn coi những biện pháp kiểm soát này là một quân bài mặc cả đầy tiềm năng” mà TQ có thể sử dụng để cố gắng thuyết phục Mỹ và phương Tây hạn chế các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây đối với chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn bán cho TQ.

Căng thẳng vẫn tiếp diễn trong cuộc chiến chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Căng thẳng vẫn tiếp diễn trong cuộc chiến chất bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ảnh: REUTERS

Mỹ siết hạn chế với Trung Quốc

Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc kiểm soát nhiều hơn việc xuất khẩu chip tiên tiến và đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ, nhất là vào các lĩnh vực nhạy cảm như điện toán lượng tử, chất bán dẫn tiên tiến, trí tuệ nhân tạo đối với TQ.

Tờ The New York Times ngày 28-6 dẫn năm nguồn thạo tin cho biết chính quyền ông Biden đang cân nhắc các biện pháp hạn chế bổ sung nhằm ngăn TQ tiếp cận công nghệ quan trọng. Theo đó, Mỹ sẽ hạn chế bán cho TQ chip tiên tiến do các công ty như Nvidia, Advanced Micro Devices và Intel sản xuất. Các con chip này là thành phần cực kỳ quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI).

Các hạn chế đang được xem xét là một phần của quá trình hoàn thiện các quy định hạn chế xuất khẩu trước đó của Mỹ. Vào tháng 10 năm ngoái, chính quyền ông Biden đã ban hành một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng, theo đó cấm các công ty Mỹ bán chip tiên tiến, phần mềm thiết kế chip, thiết bị sản xuất chip và các bộ phận của thiết bị sản xuất chip cho TQ.

Mỹ cũng đã thúc giục các đồng minh, đối tác làm điều tương tự với TQ. Chẳng hạn, Nhật và Hà Lan trong hơn một tháng qua đã lần lượt công bố quy định kiểm soát xuất khẩu đối với trang thiết bị cần thiết cho quá trình sản xuất chip tiên tiến.

Phía Mỹ luôn cho rằng khả năng phát triển AI của TQ có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia. Do đó, các lệnh cấm của Mỹ là nhằm hạn chế TQ dùng AI để tăng năng lực quốc phòng của TQ như phát triển vũ khí dẫn đường, phát triển máy bay không người lái, cũng như dùng AI để tiến hành chiến tranh mạng, theo dõi, giám sát người dân.

Tuy nhiên, những hạn chế này sẽ là một đòn giáng mạnh vào các nhà sản xuất chất bán dẫn, kể cả nhà sản xuất Mỹ, theo The New York Times.

Giám đốc tài chính của Công ty công nghệ bán dẫn Nvidia - bà Colette Kress nói rằng về lâu dài, các lệnh hạn chế “sẽ dẫn đến việc ngành công nghiệp Mỹ mất đi vĩnh viễn cơ hội cạnh tranh và dẫn đầu tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới”. Theo bà Kress, thị trường TQ tạo ra 20%-25% doanh thu của công ty, bao gồm các sản phẩm khác ngoài chip phục vụ cho mục đích phát triển AI.

Ông Wei Shaojun - Giám đốc Viện Vi điện tử của ĐH Thanh Hoa (TQ) và cũng là thành viên của Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn TQ cho rằng việc Washington đang cân nhắc cấm bán chip tiên tiến cho TQ mang lại cả thách thức lẫn cơ hội cho TQ.

Theo ông Wei, nếu Mỹ cấm bán chip A800 thì chẳng khác gì đang tự bắn vào chân mình và lệnh cấm mới của Mỹ có thể là cơ hội để TQ đẩy nhanh việc tìm nguồn cung ứng và phát triển các sản phẩm thay thế.•

Bộ trưởng Tài chính Mỹ gặp Đại sứ TQ trước thềm công du TQ

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có cuộc gặp với Đại sứ TQ tại Mỹ Tạ Phong tại thủ đô Washington, trước chuyến công du TQ từ ngày 6 đến 9-7 tới, tờ South China Morning Post đưa tin ngày 4-7.

Trong cuộc gặp diễn ra vào ngày 3-7, Bộ Tài chính Mỹ cho biết bà Yellen đã nêu ra các vấn đề mà phía Mỹ quan ngại và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước cùng nhau hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm các vấn đề kinh tế vĩ mô và tài chính.

Về phần mình, ông Tạ Phong kêu gọi phía Mỹ coi trọng việc giải quyết các mối quan ngại của TQ về các vấn đề kinh tế và thương mại cũng như hành động để quản lý sự khác biệt thông qua tăng cường đối thoại, hợp tác nhằm thúc đẩy sự ổn định quan hệ Trung - Mỹ và đưa mối quan hệ trở lại đúng hướng.

Hai bên đều nhất trí rằng cuộc gặp giữa Bộ trưởng Yellen và Đại sứ Tạ Phong diễn ra hiệu quả và thẳng thắn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm