Mỹ ngày 26-12 thông báo trừng phạt hai chuyên gia làm việc trong chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Theo thông báo từ Bộ Tài chính Mỹ, hai chuyên gia này là Kim Song-sik và Ri Pyong-chol. Ông Kim được cho là một nhân vật quan trọng trong quá trình phát triển nhiên liệu rắn cho tên lửa thay vì nhiên liệu lỏng. Trong khi đó, ông Ri được cho là một nhân vật chủ chốt trong quá trình phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
“Bộ Tài chính đang nhắm tới các lãnh đạo chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, như một phần chiến dịch tạo áp lực tối đa nhằm cô lập Triều Tiên và đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố ngày 26-12.
Trong lệnh trừng phạt chủ yếu mang tính biểu tượng này, hai chuyên gia này bị cấm giao dịch với công dân Mỹ, mọi tài sản và quyền lợi ở Mỹ sẽ bị phong tỏa.
Đây là bước đi mới nhất trong chiến dịch của Mỹ nhằm tăng áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí đang trên đà phát triển nhanh. Các chuyên gia dự đoán không lâu nữa Triều Tiên có thể phát triển được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bắn tới nước Mỹ.
Mấy ngày qua Triều Tiên liên tục hứng trừng phạt vì chương trình vũ khí của mình. Trước lệnh trừng phạt của Mỹ không lâu, ngày 22-12, Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vụ thử tên lửa ICBM thế hệ mới nhất Hwasong-15 ngày 29-11. Nghị quyết trừng phạt này do Mỹ soạn thảo, hạn chế nước này tiếp cận sản phẩm dầu mỏ tinh chế, dầu thô và ngoại tệ từ công nhân lao động ở nước ngoài. Triều Tiên tuyên bố các bước đi của Mỹ là hành động chiến tranh.
Người dân Seoul (Hàn Quốc) theo dõi bản tin về vụ thử tên lửa ICBM Hwasong-15 của Triều Tiên ngày 29-11. Ảnh: REUTERS
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên làm gia tăng lo ngại sẽ xảy ra một cuộc xung đột mới ở bán đảo Triều Tiên, vốn trong tình trạng đình chiến kể từ cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953. Mỹ vẫn luôn tuyên bố mọi phương án đều được cân nhắc để giải quyết chương trình vũ khí Triều Tiên, kể cả quân sự.
Nga ngày 26-12 một lần nữa đề nghị làm trung gian giảm căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đưa ra đề nghị tương tự. Ông Lavrov cũng nói rằng các phát ngôn cứng rắn cũng như sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực đã làm tăng căng thẳng và không thế chấp nhận được.
Khi được hỏi về đề nghị trung gian đối thoại của Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins nói Mỹ có khả năng liên lạc với Triều Tiên thông qua nhiều kênh ngoại giao. Một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Michael Cavey, nói Mỹ cởi mở đối thoại, tuy nhiên còn phải xem thử Triều Tiên có hành động ý nghĩa nào nhằm giải trừ hạt nhân và kiềm chế khiêu khích thêm hay không. Theo ông, đáng buồn là lúc này rõ ràng cả về lời nói và hành động Triều Tiên đều không hướng đến đối thoại.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 26-12 dự đoán Triều Tiên sẽ tìm cách đối thoại với Mỹ trong năm 2018, tuy nhiên vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực để được công nhận là một quốc gia hạt nhân.