“Shinzo Abe đến Mỹ: Nhật-Mỹ hợp tác chống Trung Quốc (TQ)” là đầu đề bài viết của đài RFI. Ngày 28-4 (giờ địa phương), Tổng thống Obama hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Phòng Bầu dục.
Dạ tiệc dành cho ông Shinzo Abe
AFP đưa tin nội dung cuộc hội đàm chủ yếu liên quan đến việc thiết lập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhằm không để TQ tự tung tự tác.
Hiệp định bao gồm 12 nước chiếm 40% GDP thế giới nhưng trong đó không có TQ.
Trả lời báo Wall Street Journal ngày 27-4, Tổng thống Obama nhận xét: “Chúng tôi muốn TQ thành công, muốn TQ tiếp tục phát triển thành cường quốc hòa bình. Tôi nghĩ rằng đó là điều tốt đẹp cho thế giới… Thế nhưng chúng tôi không muốn TQ sử dụng vai trò nước lớn để ép buộc các nước khác trong khu vực phải chấp nhận các quy luật bất lợi cho chúng tôi”.
Thủ tướng Shinzo Abe sẽ được tiếp đón trọng thị với bữa tiệc tối quốc gia. Đây là nghi thức rất hiếm xảy ra.
Đến nay chỉ có nguyên thủ quốc gia bảy nước được mời tham dự nghi thức này kể từ khi ông Obama bước vào Nhà Trắng năm 2009, gồm Hàn Quốc, TQ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Mexico.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Shinzo Abe viếng đài tưởng niệm Lincoln tại Washington ngày 27-4. Ảnh: REUTER
Cuộc họp 2+2
Trước đó, Hướng dẫn về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật sửa đổi (gọi tắt là Hướng dẫn quốc phòng sửa đổi) đã được thông qua tại cuộc họp 2+2 ở New York hôm 27-4. Đây là lần sửa đổi đầu tiên của Hướng dẫn về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật năm 1997.
Dự họp có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nhật Fumio Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Nhật Gen Nakatani.
Sau cuộc họp 2+2, các bên đã ra thông cáo chung như sau:
Hướng dẫn quốc phòng sửa đổi ghi nhận Nhật có quyền thực hiện quyền phòng vệ tập thể và Nhật đủ năng lực bảo vệ các nước khác khi bị tấn công.
Mỹ ủng hộ quyết định của Nhật về giải thích lại hiến pháp hòa bình để đưa lực lượng phòng vệ Nhật tham gia các chiến dịch ngoài lãnh thổ Nhật.
Hai bên tái khẳng định Mỹ sẽ cung cấp cho Nhật vũ khí hiện đại mang tầm quan trọng chiến lược để bảo đảm an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.
Chiến lược của Mỹ năm 2015 về an ninh quốc gia đánh giá Mỹ đang tiến hành chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương, do đó Mỹ cần hợp tác quốc phòng với Nhật.
Hướng dẫn quốc phòng sửa đổi sẽ thúc đẩy tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong khuôn khổ liên minh Mỹ-Nhật.
Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng John Kerry đã nhắc lại Hiệp ước Hợp tác hỗ tương và An ninh giữa Mỹ và Nhật bao gồm cả quần đảo Senkaku (TQ gọi là Điếu Ngư).
Hàn Quốc muốn bảo đảm an ninh
Tại Hàn Quốc ngày 28-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhận định Hướng dẫn quốc phòng sửa đổi Mỹ-Nhật đã làm rõ vấn đề tôn trọng chủ quyền của nước thứ ba khi Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể.
Hàn Quốc cũng ghi nhận Mỹ và Nhật đã nỗ lực tăng cường tính minh bạch trong quá trình sửa đổi Hướng dẫn quốc phòng.
Người phát ngôn tuyên bố chính phủ Hàn Quốc khuyến khích Mỹ và Nhật tìm kiếm các giải pháp bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc trong khi thực thi Hướng dẫn quốc phòng sửa đổi Mỹ-Nhật.
AFP ghi nhận Hướng dẫn quốc phòng sửa đổi Mỹ-Nhật là câu trả lời gián tiếp trước ý đồ gia tăng quân sự của TQ với tham vọng chiếm đóng hầu hết biển Đông.
55 năm hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật Ngày 19-1-1960, Nhật và Mỹ ký kết Hiệp ước Hợp tác hỗ tương và An ninh giữa Mỹ và Nhật. Hiệp ước này nhằm xem xét lại Hiệp ước hỗ tương về an ninh Mỹ-Nhật đã ký hồi tháng 9-1951 trong khuôn khổ Hiệp định San Francisco. Hiệp ước năm 1951 quy định Mỹ duy trì quân đội và căn cứ Mỹ tại Nhật. Theo hiệp ước này, tương quan lực lượng đã nghiêng về phía Mỹ còn Nhật chỉ là đồng minh hợp tác. Ngược lại, hiệp ước năm 1960 đã lập quan hệ cân bằng hơn trong tương quan lực lượng Mỹ-Nhật khi đưa ra khái niệm hỗ tương. Mỹ bắt buộc phải tham vấn Nhật khi sử dụng căn cứ hoặc đưa vũ khí hạt nhân vào Nhật. Sau đó quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật tiếp tục được khẳng định với Tuyên bố Clinton/Hashimoto ngày 17-4-1996 và Hướng dẫn về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật ngày 23-9-1997 (thay thế thỏa thuận ngày 27-11-1978 về điều phối và hợp tác quân sự song phương trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang trong khu vực). Quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật được giới hạn trong trường hợp Nhật bị tấn công vũ trang và tình hình ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh của Nhật trong phạm vi xung quanh Nhật. Theo giải thích của Nhật, phạm vi này được áp dụng cho toàn vùng Viễn Đông và bao gồm an ninh đường biển trong phạm vi 1.000 hải lý quanh Nhật. Theo Hướng dẫn về hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật sửa đổi, Mỹ sẽ cung cấp cho Nhật máy bay tuần tra P-8, máy bay không người lái Global Hawk, tàu đổ bộ USS Green Bay, đồng thời từ năm 2017 sẽ triển khai máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm F-35B ở Nhật. Ngoài ra Mỹ cũng sẽ cung cấp tên lửa chống tên lửa Aegis, radar mới và tàu khu trục. |