Ngày 29-8 (giờ địa phương), tại Washington, D.C., Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã ký Thỏa thuận Ghi nhớ trao đổi hậu cần (LEMOA).
Thỏa thuận cho phép quân đội hai nước sử dụng khí tài và căn cứ của nhau để tiếp cận dịch vụ sửa chữa và tiếp tế.
Thỏa thuận mới là gì?
Theo báo Times of India, LEMOA bảo đảm quân đội hai nước có thể chia sẻ các hỗ trợ, vật tư và dịch vụ hậu cần.
Các hỗ trợ có thể bao gồm thức ăn, nước uống, nơi trú quân, vận tải, dầu hỏa, dầu nhớt, trang phục, dịch vụ y tế, phụ tùng và linh kiện, dịch vụ sửa chữa và bảo trì, dịch vụ huấn luyện cùng nhiều thiết bị và các dịch vụ hậu cần khác.
Chuyên gia chiến lược C. Uday Bhaskar, Giám đốc Hội Nghiên cứu chính sách Ấn Độ (SPS), đánh giá: “Về cơ bản, thỏa thuận này là một giao thức cho phép hai bên trao đổi.
Ví dụ, nếu một tàu hải quân Ấn Độ đang ở Đông Nam Á và cần nhiên liệu trong thời hạn ngắn, tàu chở dầu Mỹ ở khu vực lân cận có thể đến tiếp liệu cho tàu Ấn Độ”.
Nếu một máy bay hay tàu quân sự Ấn Độ đòi hỏi được sửa chữa gấp, nếu phía Mỹ có khả năng thì giúp. Ngược lại, nếu bên Mỹ có yêu cầu này, Ấn Độ cũng sẽ cung cấp dịch vụ tương tự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar ngày 29-8 tại Washington, D.C. Ảnh: AP
Mỹ có thể lập căn cứ tại Ấn Độ?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết LEMOA giúp các chiến dịch hoạt động chung trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, chính phủ mỗi nước phải đồng ý trên cơ sở xem xét từng trường hợp cụ thể.
Ông Ashton Carter giải thích: “Khi họ đã đồng ý, đây sẽ là thỏa thuận khiến mọi việc trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều”.
Một câu hỏi đưa ra là Mỹ có thể lập căn cứ quân sự tại Ấn Độ căn cứ theo LEMOA hay không?
Tại cuộc họp báo chung sau khi hai bộ trưởng quốc phòng hội đàm tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar khẳng định: “Không có điều khoản cho bất cứ căn cứ quân sự hay bất cứ hoạt động nào nhằm lập căn cứ quân sự ở Ấn Độ cả. LEMOA không nhắc đến lập căn cứ quân sự”.
Ông giải thích: “Thỏa thuận này cơ bản là hỗ trợ hậu cần cho hạm đội của hai nước như cung cấp nhiên liệu, cung cấp nhiều thứ cần thiết khác cho các chiến dịch hoạt động chung, hỗ trợ nhân đạo và nhiều chiến dịch cứu trợ khác.
Vì vậy, thỏa thuận cơ bản sẽ bảo đảm hải quân hai nước có thể hỗ trợ lẫn nhau trong các chiến lược hoạt động chung, các cuộc tập trận chung”.
Như hai bên đã tuyên bố, quan hệ quốc phòng của hai nước dựa trên “các giá trị và lợi ích chung” lẫn “các cam kết vĩnh viễn với an ninh và hòa bình toàn cầu” của hai bên.
Tại sao thỏa thuận quan trọng?
Đối với Mỹ, LEMOA sẽ giúp Mỹ có chỗ đứng đáng tin cậy để đối phó với một Trung Quốc thù địch.
Theo báo Forbes, hải quân Mỹ dự kiến sẽ triển khai 60% số tàu đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
LEMOA có thể giúp Mỹ dễ dàng tiếp cận các căn cứ của Ấn Độ để tiếp nhiên liệu cho các hạm đội.
Về phía Ấn Độ, đây là một bước trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ.
Ấn Độ hiện tại chắc chắn là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ và bản thỏa thuận này giúp tạo điều kiện củng cố quan hệ đồng minh.
Tuy nhiên, điều khoản trong thỏa thuận quy định rõ phải xem xét từng trường hợp và lời bác bỏ thẳng thừng rằng đây là thỏa thuận chia sẻ căn cứ quân sự đã cho thấy chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi cố gắng xoa dịu quan ngại trong nước lo sợ Ấn Độ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh toàn cầu với Mỹ.
Ấn Độ hiện là thành viên của Chế độ Kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR). Với sự ủng hộ kiên định của Mỹ, Ấn Độ cũng mong muốn gia nhập Nhóm Các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) để thực sự trỗi dậy như một siêu cường toàn cầu.
Trong tương lai, có thể Ấn Độ sẽ tiếp tục ký kết Thỏa thuận An ninh thông tin và truyền thông (CISMOA), Thỏa thuận Hợp tác và trao đổi cơ bản về tình báo không gian địa lý (BECA).
Chuyên gia C. Uday Bhaskar (SPS) nhận định Thỏa thuận Ghi nhớ trao đổi hậu cần giữa Ấn Độ và Mỹ là một bước đi chậm trễ nhưng rất đáng hoan nghênh. Ông Bhaskar đánh giá: “Họ (Mỹ) là lực lượng quân sự mạnh hơn nên Ấn Độ sẽ được hưởng lợi và thỏa thuận sẽ tăng cường phạm vi hoạt động lẫn tính ổn định của quân đội Ấn Độ”. Tuy nhiên, ông khẳng định ký kết thỏa thuận này không có nghĩa Ấn Độ trở thành đồng minh quân sự của Mỹ. Ông cho biết: “Chúng tôi không có nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ cho bất kỳ chiến dịch của Mỹ trong khu vực. Mọi sự sắp xếp theo thỏa thuận phải được thương lượng trước”. Chuyên gia Laxman Behera thuộc Viện Phân tích và nghiên cứu quốc phòng (IDSA) đánh giá Thỏa thuận Ghi nhớ trao đổi hậu cần là một bước tiến củng cố quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn. Ông ghi nhận thỏa thuận có lợi cho lực lượng hải quân nhất vì các tàu có thể dùng các dịch vụ hỗ trợ hậu cần và chi trả sau. Điều này có thể giúp tàu hải quân Ấn Độ mở rộng hoạt động và đi khắp thế giới, đến nhiều quốc gia khác nhau. ____________________________________ Mỹ đã nâng quan hệ thương mại quốc phòng và trao đổi công nghệ với Ấn Độ lên ngang tầm với các đồng minh và đối tác thân cận nhất của Mỹ. Báo INDIA TODAY của Ấn Độ Nếu Ấn Độ vội vàng gia nhập hệ thống đồng minh với Mỹ, điều này có thể chọc tức Trung Quốc, Pakistan và ngay cả Nga. Điều này không làm cho Ấn Độ nhiều an toàn hơn nhưng mang đến nhiều vấn đề về chiến lược cho chính Ấn Độ, biến Ấn Độ trở thành trung tâm thù địch ở châu Á. Báo THỜI BÁO HOÀN CẦU của Trung Quốc |