Ngoại trưởng Mỹ cũng đồng thời khẳng định Mỹ sẽ sát cánh các đồng minh trong quá trình bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải ở biển Đông.
“Chúng tôi không ủng hộ góp gió vào lửa, đẩy cao xung đột mà sẽ cố khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp thông qua tiến trình luật pháp và ngoại giao”.
Theo ông, tranh chấp ở biển Đông cần được giải quyết bằng các giải pháp hòa bình và “các bên phải tự kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng, ảnh hưởng hòa bình và ổn định khu vực”.
Tuyên bố chung giữa hai Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Mỹ ngày 30-8 sau các cuộc hội đàm an ninh nêu rõ hai nước coi trọng tầm quan trọng của tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ngày 30-8. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về tranh chấp biển Đông ngày 12-7, bác bỏ tuyên bố chủ quyền "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở biển Đông.
“Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài vì đây là quyết định cuối cùng và có giá trị ràng buộc pháp lý với cả hai bên”. Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Kerry phát biểu trước các sinh viên New Delhi.
Theo Ngoại trưởng Kerry, Trung Quốc có thể học cách tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế từ Ấn Độ, ám chỉ đến việc Ấn Độ đã chấp nhận phán quyết của tòa án quốc tế trong tranh chấp hàng hải ở Bangladesh năm 2014, xử Bangladesh lợi thế hơn.
Hội nghị G20 sẽ diễn ra ở Trung Quốc trong hai ngày 4 và 5-9 tới. Và theo nhiều nhà ngoại giao thì nhiều khả năng vấn đề biển Đông sẽ được nêu tại hội nghị.