Mỹ và EU ra đòn trừng phạt kinh tế mạnh nhất với Nga

Mỹ ngày 16/7 áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ nhất đối với Nga trong khi Liên minh châu Âu cũng nhất trí tăng trừng phạt Nga vì vấn đề Ukraine.

Theo Reuters, lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty năng lượng, tài chính cũng như quốc phòng hàng đầu của Nga trong đó có tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn nhất Nga Rosneft, tập đoàn khí đốt lớn thứ 2 Novatek, ngân hàng có liên hệ mật thiết với hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga Gazprombank, ngân hàng Vneshekonombank. Ngoài ra, lệnh trừng phạt còn nhằm vào 8 nhà cung cấp vũ khí.

 Ngân hàng Vneshekonombank

Đối với 4 doanh nghiệp lớn của Nga, Bộ tài chính Mỹ sẽ giới hạn việc tiếp cận nguồn vốn, các khoản vay trung và dài hạn từ các nhà đầu tư và định chế tài chính có quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ không đóng băng tài sản cũng như không ngăn cấm công dân Mỹ hay các doanh nghiệp có liên hệ với Mỹ làm ăn với các doanh nghiệp này. Song giới kinh doanh của Mỹ lo ngại họ sẽ bị ảnh hưởng bởi các hành động trả đũa của Nga nếu Mỹ siết trừng phạt Nga.

Lần trừng phạt này, ngoài nhằm vào doanh nghiệp, Mỹ cũng nhằm vào một số quan chức điện Kremlin và chính quyền ly khai Donetsk và Luhansk của Ukraine. Một số công ty trong lĩnh vực quốc phòng nằm trong diện trừng phạt, trong đó có Kalashnikov Concern, bị cấm làm ăn với doanh nghiệp và công dân Mỹ.
Một quan chức Mỹ cho báo giới hay, các lệnh trừng phạt mới về lâu dài sẽ buộc ngân hàng trung ương Nga vào cuộc. Thực tế, ngân hàng này đã bán USD để khôi phục đồng rúp, dự trữ vàng và ngoại hối của họ giảm xuống 478,3 tỷ USD hồi đầu tháng 7, từ mức gần 510 tỷ USD hồi tháng 1.
"Các biện pháp trừng phạt là đáng kể, song mục đích của chúng là gây tác động tối đa đối với Nga và hạn chế sự ảnh hưởng tới các công ty của Mỹ và các đồng minh", Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với các phóng viên.

Động thái của Mỹ diễn ra cùng thời điểm các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí tăng cường sự trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga, bao gồm việc ngừng các khoản đầu tư mới vào Nga của Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD).

Theo Gafin

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới