Khối BRICS lập ngân hàng mới

Ngày 15-7 (giờ địa phương), trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ sáu kéo dài hai ngày tại Fortaleza (Brazil), các nhà lãnh đạo năm nền kinh tế mới nổi thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) đã ký kết hiệp định thành lập Ngân hàng Phát triển mới.

Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), mục tiêu của ngân hàng là đầu tư cho vay đối với các dự án cơ sở hạ tầng bên ngoài khối BRICS.

Ví dụ: Ngân hàng sẽ cấp tín dụng cho một nước châu Phi nào đó thực hiện dự án về thủy điện. Các nước khối BRICS có thể sẽ cung cấp thiết bị hoặc thực hiện dự án này.

Ngân hàng Phát triển mới đặt trụ sở tại Thượng Hải, có vốn đầu tư ban đầu 50 tỉ USD, sau đó sẽ nâng lên 100 tỉ USD. Vốn được chia đều cho năm nước. Thời gian góp vốn kéo dài bảy năm. Ngân hàng có thể gọi vốn góp từ tư nhân.

Chủ tịch đầu tiên của ngân hàng sẽ là người Ấn Độ. Chủ tịch đầu tiên của hội đồng thống đốc là người Nga và chủ tịch đầu tiên của hội đồng quản trị là người Brazil.

Các nhà lãnh đạo năm nền kinh tế mới nổi tại hội nghị thượng đỉnh khối BRICS ở Brazil. Ảnh: AP

Bộ Tài chính Brazil khẳng định các chủ tịch ngân hàng kế tiếp sau Ấn Độ sẽ lần lượt là Brazil, Nga, Nam Phi và Trung Quốc.

Ngân hàng sẽ lập một chi nhánh tại khu vực châu Phi đặt ở Nam Phi. Chi nhánh sẽ khai trương đồng thời với ngân hàng.

Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh khối BRICS cho biết hội nghị cũng đã nhất trí thành lập quỹ dự trữ chung.

Mục đích nhằm tránh sức ép thiếu tiền mặt về ngắn hạn, tăng cường hợp tác trong khối BRICS, củng cố an ninh tài chính toàn cầu và hoàn thành các hiệp ước quốc tế đã ký kết.

Ví dụ: Nếu Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ thay đổi lãi suất gây ảnh hưởng đến các nước mới nổi, lúc đó quỹ dự trữ sẽ cứu vớt.

Dự kiến vốn đầu tư của quỹ dự trữ là 100 tỉ USD. Các nước đóng góp không bằng nhau. Trung Quốc đã cam kết đóng góp 41 tỉ USD, Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước 18 tỉ USD còn Nam Phi góp 5 tỉ USD.

Dự kiến quỹ dự trữ sẽ hoạt động vào dịp hội nghị thượng đỉnh khối BRICS năm tới ở Nga.
TS Folashadé Soulé-Khodonou ở Viện Nghiên cứu chính trị Paris (Pháp) nhận định Ngân hàng Phát triển mới của khối BRICS nhằm mục đích đối trọng với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Chuyên gia này giải thích: “Mục đích chính trị rất dễ hiểu. Khối BRICS muốn phản ứng với hệ thống phân bổ quota của IMF, nghĩa là phân chia phiếu bầu vào các cơ quan lãnh đạo IMF. Từ lâu hệ thống này đã không được cải tổ. Mặc dù có tiềm lực kinh tế, các thành viên khối BRICS vẫn giữ thiểu số về phần trăm phiếu bầu”.

Trong IMF, khối BRICS chỉ được chia số phiếu bầu chiếm 11% trong khi Mỹ chiếm 16,75%, khu vực đồng euro chiếm hơn 22%, Trung Quốc 3,81%.

Khó khăn sắp tới của khối BRICS là gì? TS Folashadé Soulé-Khodonou phân tích khối BRICS tưởng là một khối thống nhất nhưng về tài chính, Trung Quốc vẫn nhỉnh hơn Nam Phi, do đó có ưu thế hơn trong khi quyết định.

Mặt khác, các nước đã cảm nhận được sự thống trị của Trung Quốc. Một ví dụ rõ ràng như vấn đề đặt trụ sở Ngân hàng Phát triển mới ở đâu. Ấn Độ và Nam Phi đều muốn trụ sở đặt ở nước mình. Cuối cùng Thượng Hải được chọn.

Đài phát thanh Europe 1 (Pháp) châm biếm: “Cám ơn 41 tỉ USD một mình Trung Quốc đóng góp vào quỹ dự trữ”.

DẠ THẢO

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố hy vọng ngân hàng mới của khối BRICS sẽ tập trung chống đói nghèo, đồng thời khuyến khích các đối tác trong khối cùng nói một tiếng nói chung và minh bạch vì một thế giới hòa bình, ổn định và cân bằng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm