Mỹ và Nhật gia tăng tập trận chung giữa căng thẳng tại eo biển Đài Loan

(PLO)- Việc tăng cường các cuộc tập trận chung nhằm đảm bảo rằng lực lượng Nhật và Mỹ có thể phối hợp với nhau một cách hiệu quả trong bối cảnh an ninh khu vực đầy thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ Nikkei Asia đưa tin tính đến cuối tháng 7 năm nay số lượng cuộc tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật và lực lượng Mỹ nhiều hơn gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2021, nhằm tăng cường năng lực răn đe trước nguy cơ xảy ra xung đột xung quanh Đài Loan.

Mỹ và Nhật tăng cường tập trận chung giữa căng thẳng tại eo biển Đài Loan. Ảnh: AMERICAN VIEW

Mỹ và Nhật tăng cường tập trận chung giữa căng thẳng tại eo biển Đài Loan. Ảnh: AMERICAN VIEW

Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật, Tokyo và Washington đã tiến hành tổng cộng 51 cuộc tập trận song phương tính đến cuối tháng 7 năm nay, so với 34 cuộc tập trận chung trong 7 tháng đầu năm 2021 và 23 cuộc trong cùng kỳ năm 2020.

Lần gần nhất là cuộc tập trận chung xung quanh đảo Okinawa với sự tham gia 10 tiêm kích của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật và không quân Mỹ vào hôm 9-8.

Trong số các cuộc tập trận chung với Mỹ, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật tham gia 29 cuộc, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lực lượng đóng một vai trò thiết yếu trong việc phòng thủ tên lửa ngoài khơi và giám sát các tàu của Trung Quốc.

Các khu vực tập trận chủ yếu của Tokyo và Washington bao gồm biển Hoa Đông và Biển Đông, cùng với quần đảo Senkaku - hiện do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư - và quần đảo Sakishima gần với Đài Loan.

Việc Mỹ và Nhật gia tăng các cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nga tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Nhật cùng với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, bao gồm vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Ngoài ra, chính phủ Nhật hôm 4-8 thông báo năm quả tên lửa đạn đạo của quân đội Trung Quốc phóng ra trong cuộc tập trận nhằm phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật. Đây là lần đầu tiên tên lửa đạn đạo của Trung Quốc rơi trong vùng biển của Tokyo.

Các cuộc tập trận chung nhằm đảm bảo rằng các lực lượng Nhật và Mỹ có thể phối hợp với nhau một cách hiệu quả - một mục tiêu quan trọng đối với hai bên giữa lúc môi trường an ninh khu vực đầy thách thức.

Vào tháng 5, tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nhấn mạnh Tokyo và Washington sẽ "tăng cường năng lực chung, bao gồm cả việc liên kết các chiến lược và ưu tiên các mục tiêu cùng nhau".

Bên cạnh các cuộc tập trận song phương, Nhật và Mỹ cũng gia tăng tập trận đa phương. Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2, Lực lượng Phòng vệ Nhật đã tham gia khoảng 20 cuộc tập trận chung với các đối tác bao gồm Ấn Độ, Úc, Anh, Pháp và các quốc gia Đông Nam Á. Tháng 6, Nhật lần đầu tiên tập trận với Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau gần bốn năm.

Chất lượng của các cuộc tập trận đang được cải thiện cùng với số lượng. Trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay - cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới, Nhật lần đầu tiên tham gia các cuộc tập trận trên thực địa về mối đe dọa đối với sự tồn vong của nước này.

Theo đó, cuộc tập trận trên giả định tình huống một cuộc tấn công vào đối tác gần gũi với Tokyo như Mỹ và nó đe dọa tới an ninh Nhật thì Lực lượng Phòng vệ Nhật có thể thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Điều này có thể làm cơ sở cho việc Nhật can dự vào một cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan.

Cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ biển Nhật - ông Tomohisa Takei - cho biết mục tiêu của các cuộc tập trận chung là nâng cao năng lực tương tác, qua đó lực lượng Nhật có thể tham khảo các chiến thuật mới của quân đội Mỹ trong khi phía Mỹ có cơ hội đánh giá khả năng của Nhật.

"Các cuộc tập trận có thể được tiến hành như một màn phô diễn sức mạnh khi cần thiết về mặt chính trị. Đây cũng được hiểu là sự xác nhận năng lực hoạt động chung trước khi Nhật sửa đổi chiến lược an ninh” - ông Takei nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm