Hãng tin Reuters đưa tin chính quyền quân sự Myanmar ngày 7-5 cho biết sẽ không đồng ý bất kỳ chuyến thăm nào của đặc phái viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến nước này cho đến khi sự ổn định tại Myanmar được thiết lập.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi lãnh đạo các nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh về vấn đề Myanmar hồi tháng 4 đã thống nhất một tuyên bố chung gồm năm điểm liên quan việc giải quyết khủng hoảng tại quốc gia này.
Năm điểm thống nhất của ASEAN về Myanmar là: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa “tất cả các bên liên quan”, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar.
Một sĩ quan cảnh sát bảo vệ hội nghị cấp cao ASEAN về vấn đề Myanmar hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS
Phát biểu trong một cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình hôm 7-5, ông Kaung Htet San - người phát ngôn Hội đồng điều hành nhà nước Myanmar (SAC) – cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đang ưu tiên cho an ninh và sự ổn định của đất nước".
"Chỉ sau khi chúng tôi đạt được mức độ an ninh và ổn định nhất định, chúng tôi sẽ hợp tác liên quan đặc phái viên đó" – ông Htet San nói.
Theo ông Htet San, chính quyền quân sự Myanmar sẽ xem xét các đề xuất được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 nếu chúng hữu ích cho tầm nhìn của chính quyền quân sự.
Ông Htet San cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra những đề xuất tích cực cho Thống tướng Min Aung Hlaing - Chủ tịch của Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar, song liệu các điểm đồng thuận này có được thúc đẩy hay không còn phụ thuộc vào tình hình ở Myanmar và liệu có "hữu ích cho tầm nhìn xa hơn của chúng tôi" hay không.
Myanmar bị xoáy vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc chính biến hồi tháng 2, khiến người dân tại quốc gia này không muốn chấp nhận việc quay trở lại chế độ quân sự sau năm thập niên quản lý kinh tế yếu kém và nền kinh tế kém phát triển.
Các cuộc biểu tình và tuần hành đã diễn ra gần như hàng ngày, với lần gần nhất là cuộc biểu tình lớn vào ngày 7-5 tại TP. Yangon, cùng các cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn ở ít nhất 10 nơi khác trên khắp Myanmar.
Theo một nhóm chuyên theo dõi cuộc khủng hoảng, ít nhất 769 người đã thiệt mạng và gần 3.700 người bị giam giữ trong chiến dịch đối phó người biểu tình của quân đội Myanmar.
Chính quyền Myanmar nói rằng họ đang chiến đấu với những “kẻ khủng bố”. Hôm 7-5, ông Htet San cho biết số vụ bắt giữ những “thành phần chủ mưu bạo lực” được tiến hành nhiều hơn so với những gì được thông báo công khai.
Cuộc họp thượng đỉnh ASEAN ngày 24-4 tại Jakarta được đánh giá là thành công, song các nhà phân tích vẫn hoài nghi về việc liệu các tướng lĩnh của Myanmar có thực hiện năm điểm đồng thuận hay không, khi năm điểm này không đưa ra khung thời gian cũng như không đề cập việc thả các nhân vật thuộc chính quyền dân sự đang bị bắt giữ, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.