Hãng tin Reuters ngày 8-3 cho biết ít nhất 30 người chết hôm 6-3 khi các tay súng thuộc Quân liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) tiến hành đợt tấn công bất ngờ nhằm vào thị trấn Laukkai, thủ phủ khu tự trị Kokang thuộc bang Shan, miền Bắc Myanmar.
Hàng ngàn người chạy sang Trung Quốc
Một quan chức chính phủ Trung Quốc giấu tên cho biết hàng ngàn người đã băng qua lãnh thổ Trung Quốc khi cuộc giao tranh diễn ra. Người dân thị trấn Nam Tản (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), cách Laukkai khoảng 15 km, cho biết tình trạng hỗn loạn diễn ra khi hàng ngàn người đổ dồn vào thị trấn này.
“Có rất nhiều người tràn ồ ạt qua thị trấn khiến tình trạng giao thông trở nên hỗn loạn. Hàng ngàn người tị nạn đến đây với vẻ mặt sợ hãi. Một trong số họ có mang theo va li trong khi những người khác chỉ kịp mang một ít quần áo để mặc” - một nam nhân viên tại khách sạn Golden Star ở thị trấn Nam Tản kể lại.
Ít nhất năm cảnh sát cùng năm dân thường đã thiệt mạng khi MNDAA tấn công vào các đồn cảnh sát và một tòa nhà chung cư ở thị trấn Laukkai. Nhóm vũ trang còn bắt cóc bốn cảnh sát khác làm con tin.
Theo Tân Hoa xã, trong đợt tấn công lần này, MNDAA đã sử dụng các vũ khí cả hạng nặng và nhẹ để bắn phá một số tòa nhà chung cư, các khách sạn, doanh trại quân đội và đốt nhiều xe cộ bên đường. Lực lượng an ninh chính phủ đã tìm thấy 20 thi thể cùng 10 vũ khí sau cuộc tấn công.
Tuy nhiên, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Myanmar Zaw Htay cho biết 20 thi thể này chính là của các tay súng MNDAA. Theo New York Times, cuộc giao tranh vẫn tiếp tục cho tới 7 giờ sáng 7-3.
Các thành viên của nhóm vũ trang Quân giải phóng quốc gia Ta-ang (TNLA). Ảnh: AFP
Tiến trình hòa giải dân tộc “gập ghềnh”
Hồi tháng 11-2016, MNDAA cùng ba nhóm vũ trang khác là Quân độc lập Kachin (KIA), Quân giải phóng quốc gia Ta-ang (TNLA) và Quân Arakan đã hợp quân thành lập tổ chức Liên minh phương Bắc để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu chính phủ và quân đội ở bang Shan, miền Bắc Myanmar. Các nhóm này hiện vẫn chưa ký kết thỏa thuận hòa bình. Trong cuộc tấn công lần này, ngoài MNDAA nắm chính, các nhóm vũ trang trên cũng có một phần vai trò.
Tới cuối hôm 6-3, Trung tâm Hòa bình và Hòa giải quốc gia Myanmar (NRPC) do cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đứng đầu đã ra tuyên bố kêu gọi MNDAA dừng ngay các cuộc tấn công có vũ trang và ngồi xuống bàn đàm phán. Trung Quốc ngày 7-3 cũng kêu gọi các nhóm vũ trang và quân chính phủ ngừng bắn ngay lập tức. “Những diễn biến ở miền Bắc Myanmar đều ảnh hưởng tới tình trạng hòa bình và an ninh của khu vực biên giới Trung Quốc-Myanmar. Các bên liên quan cần ngừng bắn ngay lập tức để tránh leo thang căng thẳng”.
Trước đó, phát biểu nhân ngày Đoàn kết hôm 12-2, cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã kêu gọi tất cả nhóm sắc tộc có vũ trang ký thỏa thuận ngừng bắn trên cả nước nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh.
Quan hệ Myanmar - Trung Quốc bị ảnh hưởng Theo New York Times, các cuộc giao tranh tại Kokang cũng sẽ đặc biệt khiến quan hệ Myanmar-Trung Quốc thêm căng thẳng. Trung Quốc trước đây lên án các máy bay quân sự Myanmar đã thả bom rơi sang lãnh thổ Trung Quốc đồng thời đạn pháo từ các cuộc giao tranh “bay lạc” sang Trung Quốc gây thương tích cho dân thường. Khu tự trị Kokang chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc. Người dân địa phương ở khu vực này biết nói cả tiếng Trung Quốc và sử dụng nhân dân tệ như một tiền tệ thông dụng. ________________________________ 10.000 người tị nạn Kokang đã chạy sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc kể từ khi cuộc giao tranh của các nhóm vũ trang và lực lượng an ninh chính phủ bắt đầu leo thang tại miền Bắc Myanmar vào năm 2015. |