Cuộc họp kéo dài hai ngày của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) bắt đầu vào hôm nay, 3-12, với sự tham dự của khoảng 53 nguyên thủ quốc gia, 39 người đứng đầu chính phủ và 38 bộ trưởng. Cuộc họp sẽ đưa ra các tuyên bố video được quay trước, bao gồm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Trung Quốc hứng mũi dùi
Một viên chức cấp cao của Mỹ nói với hãng tin Reuters với điều kiện giấu tên hôm 2-12 rằng phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng 193 thành viên lẽ ra phải được tổ chức sớm hơn, rằng nó đã được “thiết kế trước để phục vụ các mục đích của Trung Quốc” và phàn nàn rằng những câu hỏi tại các cuộc thảo luận ở tổ hôm 4-12 sẽ bị hạn chế.
Tổng thống Trump cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới là công cụ điều khiển của Trung Quốc. Ảnh: AL-JAZEERA
Viên chức này cho biết Trung Quốc sẽ sử dụng bối cảnh này vì lợi ích của mình, và nói thêm: “Tôi hy vọng họ sẽ thực hiện một màn tuyên truyền rất, rất hiệu quả trong hai ngày này”.
Một phát ngôn viên cho phái bộ của Trung Quốc tại LHQ cho biết Mỹ “chính trị hóa vấn đề này không vì lợi ích của cộng đồng quốc tế”.
Không nêu đích danh Mỹ, phát ngôn viên trên cho biết: “Nếu một quốc gia nào đó cứ khăng khăng, họ sẽ một lần nữa thấy mình bị cô lập và kết thúc trong thất bại. Trung Quốc sẽ tăng cường liên lạc và hợp tác với các quốc gia thành viên khác và đóng góp tích cực và mang tính xây dựng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào đầu năm nay và thông báo kế hoạch rời bỏ cơ quan có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) này với cáo buộc đây là công cụ điều khiển của Trung Quốc, điều mà WHO phủ nhận. Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ có hiệu lực vào tháng 7 năm sau, nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ hủy bỏ bước đi này.
Các quan chức của chính quyền ông Trump cho biết họ dự kiến Bắc Kinh sẽ đưa ra một bản tường trình tại LHQ trong tuần này rằng virus gây dịch COVID-19 đã tồn tại ở nước ngoài trước khi nó được phát hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào năm ngoái, một tuyên bố mà WHO gọi là “có tính suy đoán cao”.
Căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm vì đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra, làm nổi rõ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo ra ảnh hưởng đa phương lớn hơn trong một bước đi thách thức vai trò lãnh đạo truyền thống của Washington.
“Đã quá trễ”
Bộ trưởng Y tế Mỹ Azar sẽ không trực tiếp công kích Trung Quốc trong tuyên bố video của mình, nhưng nhắm vào điều mà ông gọi là thiếu “chia sẻ thông tin cần thiết” về đợt bùng phát, theo một văn bản nhận xét chuẩn bị của ông. “Sự vô hiệu hóa nhiệm vụ này đã hoàn toàn tàn phá toàn cầu” - ông Azar nói.
Ông Volkan Bozkir, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: ANADOLOU
Trung Quốc đã bác bỏ khẳng định của Mỹ rằng sự thiếu minh bạch làm trầm trọng thêm sự bùng phát COVID-19 trên toàn cầu.
Quan chức cấp cao của Mỹ, người trao đổi với Reuters với điều kiện giấu tên, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của đại dịch: “Tôi sẽ không gọi nó là vũ khí chiến tranh, nhưng chúng tôi phải coi nó là một mối đe dọa nghiêm trọng. Thực tế đó là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.
Các nhà khoa học Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và một nhóm quốc tế do WHO đứng đầu được thành lập vào tháng 9 sẽ phát triển các kế hoạch nghiên cứu dài hạn dựa trên những phát hiện của Trung Quốc.
Quan chức Mỹ cũng cho biết “hoàn toàn không thể chấp nhận được” rằng cuộc điều tra của WHO sẽ không được hoàn thành trong gần một năm.
Anh đã kêu gọi ưu tiên cuộc điều tra và đảm bảo kết quả của nó dựa trên “nền tảng khoa học vững chắc”, trong khi Đức, phát ngôn viên của Liên minh Châu Âu, kêu gọi “sự hợp tác và minh bạch hoàn toàn” trong suốt cuộc điều tra.
Vào tháng 10, Đại hội đồng LHQ đã nhất trí tổ chức phiên họp đặc biệt COVID-19 bằng cách thông qua một nghị quyết với 150 phiếu thuận. Mỹ, Israel và Armenia bỏ phiếu trắng và các thành viên còn lại không bỏ phiếu. Cuộc họp do Chủ tịch Đại hội đồng, nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Volkan Bozkir đề xuất.
Phát ngôn viên Brenden Varma của ông Bozkir cho biết Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nghĩ rằng cuộc họp đã “quá muộn” và lẽ ra phải diễn ra vào mùa hè. Ông này cho biết thêm cuộc họp được thiết kế như một cách để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong thời điểm khủng hoảng.
Mục đích là “tập hợp các quốc gia lại với nhau, cùng với các tổ chức của LHQ, với khu vực tư nhân, với các nhà phát triển vắc xin để cùng làm việc... nhằm dự trữ và xác định các lỗ hổng và thách thức” - ông Varma nói.