Ngày 13-9 tại TP.HCM diễn ra tọa đàm “Chuyển đổi năng lượng: Hợp tác doanh nghiệp Na Uy - Việt Nam” do các cơ quan, tổ chức Na Uy, bao gồm Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam (VN), phối hợp với Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương tổ chức.
Tọa đàm là diễn đàn để các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng cập nhật về lộ trình chuyển đổi năng lượng của VN theo Quy hoạch điện VIII do Thủ tướng Phạm Minh Chính phê duyệt. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp năng lượng Na Uy chia sẻ kinh nghiệm và các lợi thế cạnh tranh của mình, đặc biệt là công nghệ, trong các lĩnh vực khác nhau như điện gió ngoài khơi, hydro sạch, thu hồi và lưu trữ carbon cũng như khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM bên lề sự kiện, Phó Đại sứ Na Uy tại VN Mette Møglestue cho biết Na Uy hoan nghênh mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của VN và nhận thấy tiềm năng hợp tác lớn để giúp VN đạt được mục tiêu này.
Tọa đàm “Chuyển đổi năng lượng: Hợp tác doanh nghiệp Na Uy - Việt Nam” diễn ra vào ngày 13-9. Ảnh: ĐỨC HIỀN |
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện nay đã có khá nhiều quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước liên quan đến hàng hải và kinh tế biển. Chúng tôi thấy tiềm năng rất lớn để tăng cường hợp tác và sử dụng công nghệ Na Uy tại VN cho quá trình chuyển đổi xanh” - bà Møglestue khẳng định.
Nói về “chìa khóa thành công” của Na Uy trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bà Møglestue cho rằng đó là do Na Uy “tiến hành thảo luận liên tục giữa chính phủ, cơ quan phát triển chính sách và khu vực tư nhân” để các bên hiểu nhau trong quá trình định hình chính sách và phát triển dự án.
“Cạnh đó, chính phủ Na Uy đã đầu tư rất nhiều vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm đưa ra các giải pháp mới. Điều đó rất quan trọng để Na Uy trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về lĩnh vực năng lượng tái tạo” - phó đại sứ Na Uy cho biết.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Egil Rensvik, quản lý dự án của Hiệp hội Năng lượng Na Uy, cho biết cả VN và Na Uy đều có chung mục tiêu trở thành các quốc gia phát thải thấp vào năm 2050.
“Để hướng tới mục tiêu đó, chúng tôi phải phát triển công nghệ và giải pháp. Tôi nghĩ chúng tôi có những ngành công nghiệp thế mạnh mà chúng tôi có thể tiếp tục xây dựng là LNG trong lĩnh vực hàng hải” - ông Rensvik nói.
Ông Rensvik cũng cho biết Na Uy đang hợp tác rất chặt chẽ với Ủy ban Nghiên cứu và Phát triển châu Âu để vạch ra những quy định về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp.
“Chính sách ưu đãi của chúng tôi là doanh nghiệp có thể được giảm thuế bằng cách thực hiện các giải pháp mới để bảo vệ môi trường… Những năm trước đây chúng tôi cũng đã đánh thuế về phát thải oxit nitơ (NOx) hay lưu huỳnh và chúng tôi đã sử dụng khoản tiền thuế này đầu tư cho các dự án R&D” - đại diện Hiệp hội Năng lượng Na Uy cho hay.
Na Uy là quốc gia tiên phong về điện gió ngoài khơi với cánh đồng gió nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới - Hywind Tampen. Đây cũng là quốc gia đi đầu trong phát triển công nghệ năng lượng sạch như công nghệ khử, lưu trữ carbon hay các giải pháp về LNG, hydro.