Theo Bloomberg, các báo cáo chính thức từ NASA, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, và Viện Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA – Mỹ) vừa công bố tháng Sáu rồi là tháng thứ ba trong năm đạt nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1880.
Cụ thể, theo báo cáo của NOAA, nhiệt độ toàn cầu trung bình trên bề mặt lục địa tháng Sáu nóng hơn 1,26 oC so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20. Đây cũng là tháng Sáu có nhiệt độ cao nhất trên đất liền từng được ghi nhận, vượt qua mức cao nhất trước hồi năm 2012 khoảng 0,06°C. Trên đại dương, nhiệt độ mặt biển vào tháng Sáu cao hơn 0,74°C so với con số 16,4°C của trung bình thế kỷ 20 và vượt qua mức kỷ lục năm rồi 0,06°C.
Bản đồ phân bố nhiệt độ toàn cầu tháng Sáu năm 2015 của NOAA. Nguồn: RT
Nhiều trường hợp tương tự cũng xảy ra nên thường xuyên hơn. Tháng Sáu năm 2015 đánh dấu tháng thứ tư của năm phá kỷ lục về nhiệt độ hàng tháng, cùng với tháng Hai, tháng Ba và tháng Năm. Trong khi đó, tháng Một là tháng nóng thứ hai so với cùng thời điểm các năm trước, tương tự tháng Tư là tháng nóng thứ ba. Tổng thể, 12 tháng rồi là thời điểm nóng nhất trong suốt 136 năm qua.
Báo cáo của NOAA cũng ghi nhận nhiều khu vực trên bề mặt lục địa nóng hơn mức trung bình, với các kỷ lục ghi nhận được ở phía Tây nước Mỹ, phía Bắc Nam Phi, nhiều vùng của Trung và Tây Phi, quanh Trung Á, phia Đông biển Caspi, và nhiều nơi tại Đông Nam Á.
Mặ khác, một số vùng thuộc Ấn Độ và Trung Quốc, cùng phía Tây Greenland lại lạnh hơn mức trung bình, trong khi nhiệt độ phía Bắc Pakistan giảm mạnh so với trung bình.
Hiện tượng El Niño tại khu vực Thái Bình Dương có thể là một phần nguyên nhân của biến đổi khí hậu khi đẩy nhiệt độ nước biển và nhiệt độ không khí lên rất cao.
Theo Deke Arnt, trưởng nhóm giám sát khí hậu tại Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia của NOAA, “Thực tế là hiện tượng El Niño cũng có thể đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao. Bất cứ khi nào xảy ra El Niño thì khả năng Trái Đất đạt nhiệt độ cao kỷ lục cũng rất cao.”