Theo nghị quyết chương trình xây dựng pháp luật năm 2015, Luật Biểu tình sẽ được trình ra xin ý kiến Quốc hội (QH) vào kỳ họp tháng 5-2015 và xem xét thông qua ở kỳ họp tháng 10-2015.
Ưu tiên cho các dự án về quyền và nghĩa vụ công dân
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu (ĐB) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay trong nhiệm kỳ này phải ưu tiên cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các dự án về tổ chức bộ máy nhà nước, các dự án về kinh tế, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH bổ sung dự án Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10 năm 2015. Cùng với đó, các dự án Luật về hội và dự án Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí (sửa đổi)... cũng chính thức được đưa vào chương trình.
Trao đổi với báo chí về kết quả biểu quyết trên, ĐB Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) - người trước đây đã từng lên tiếng phản đối xây dựng và ban hành Luật Biểu tình - khẳng định: Đây đúng là thời điểm chín muồi để cho ra đời Luật Biểu tình. “Tôi đã nhấn nút đồng thuận chương trình xây dựng chương trình pháp luật cho năm 2015 trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp và công nhận quyền hiến định quyền công dân, quyền con người” - ông Phước nói.
Người dân TP.HCM xuống đường một cách ôn hòa ngày 11-5 để phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: HTD
Tham khảo kinh nghiệm của các nước
Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), việc trả nợ dân bằng cách chính thức đưa Luật Biểu tình vào chương trình là đúng đắn, thể hiện tính dân chủ, minh bạch và cũng khẳng định QH là QH của dân, nhất là sau khi Hiến pháp được thông qua vào năm 2013.
Nhìn nhận ở khía cạnh hội nhập, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng Việt Nam có nhiều đặc điểm riêng về chính trị, văn hóa lịch sử nhưng khi đã hội nhập quốc tế thì tất cả giá trị phải như nhau. “Đã đến lúc những gì được quy định trong Hiến pháp thì không thể để treo mãi được. Thực tiễn diễn ra trong thời gian qua cho thấy rất rõ Nhà nước rất lúng túng khi người dân không biểu thị được sự mong muốn, nguyện vọng của mình thông qua hành vi biểu tình. Đồng thời, Nhà nước cũng rất lúng túng trong ứng xử khi việc biểu tình vượt qua tầm kiểm soát” - ông Quốc nói.
Đề cập đến những khó khăn, thuận lợi trong việc xây dựng Luật Biểu tình, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu ý kiến: “Có nhiều thuận lợi vì chúng ta có thể tham khảo được kinh nghiệm của rất nhiều nước”. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, từ nay đến năm 2015 chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất lớn, nếu chỉ dựa vào cơ quan của Chính phủ thì sẽ quá tải. Do đó, có thể huy động các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị như Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam để xây dựng Luật Biểu tình. Đây là những cơ quan có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ công dân. “Sau khi các cơ quan này xây dựng dự thảo lần đầu thì Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các cơ quan khác sẽ cùng tham gia soạn thảo để cuối cùng trình ra xin ý kiến của QH” - ông Nghĩa nói.
THÀNH VĂN
Đừng để Việt Nam trở thành “bãi rác” của thế giới Thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, nhiều ĐB đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ quy định cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. “Việc phá dỡ tàu cũ có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi phế liệu có nhiều chất gây ung thư có thể ngấm xuống lòng đất, nước. Do đó việc nhập khẩu phế liệu lợi ít, hại nhiều. Xu hướng phá dỡ tàu cũ từ các nước phát triển đến nay đã dịch chuyển sang các nước đang phát triển. Những nước phát triển hiện đã không còn làm nữa, bởi yếu tố phế thải từ việc phá dỡ có nhiều chất độc hại, gây ung thư. Vì vậy cần bỏ quy định này ra khỏi luật” - ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) nêu ý kiến. ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) gay gắt nói: “Chúng ta đưa lý do nhập tàu cũ về phá dỡ để tạo công ăn việc làm cho người lao động là chưa thuyết phục, chưa lường hết mặt lợi kinh tế và mặt hại. Nếu cho phép thì trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là bãi rác lớn nhất thế giới về phá dỡ tàu cũ. Bởi lẽ tàu cũ luôn có máy móc hóa chất kèm theo. Nếu phá dỡ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân. Một lần nữa tôi đề nghị không cho phép” - ĐB Lâm lưu ý. Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng cho hay Ủy ban Thường vụ QH tán thành việc giao Chính phủ cho phép nhập khẩu một số loại tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ vì mục đích kinh tế và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu... Cùng ngày, QH cũng đã thảo luận về dự án Luật Hải quan sửa đổi và nghe báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức QH sửa đổi. Theo đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc quy định tỉ lệ ĐB hoạt động chuyên trách tối thiểu là 35% tổng số ĐBQH trong luật để bổ sung ĐB hoạt động chuyên trách làm việc ở Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, phù hợp với chủ trương cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH. |