Trong đó có hơn 20.300 xe vi phạm, tước hơn 7.000 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 217,3 tỉ đồng.
Tổng cục Đường bộ nhận định tuy số lượng xe vi phạm tải trọng chỉ chiếm khoảng 10% nhưng thời gian gần đây có biểu hiện tái diễn tình trạng xe quá tải lưu thông đường dài trên các tuyến đường quốc lộ, đường Hồ Chí Minh và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa… “Việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng còn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục. Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm” - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đánh giá.
Đặc biệt vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, tài xế vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe; cho người theo dõi tổ kiểm tra tải trọng xe hoặc khi bị kiểm tra thì không chấp hành như đóng cửa xe bỏ đi. Đáng ngại là họ lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Để siết chặt công tác kiểm soát xe quá tải thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất trên các đoạn đường có nhiều xe quá tải lưu thông, xe cơi nới thành thùng. Đồng thời tập trung kiểm tra tại các đầu nguồn hàng, khu vực cảng, bến, mỏ vật liệu… Kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe và xử phạt vi phạm hành chính đối với từng chủ thể có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tổng cục cũng thí điểm lắp đặt, đưa vào hoạt động mô hình trạm cân cố định độc lập và ghép với trạm thu phí sử dụng đường bộ trước khi triển khai đồng loạt; dự kiến đến cuối năm 2020 hoàn thành việc xây dựng 28 trạm cân cố định.