Ngày 13-11, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Cư trú (sửa đổi) với điểm đáng chú ý là từ năm 2023, sổ hộ khẩu chính thức được bãi bỏ. Luật Cư trú sửa đổi gồm bảy chương, 38 điều sẽ có hiệu lực từ 1-7-2021.
Bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy
Luật Cư trú sửa đổi đã thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang quản lý bằng công nghệ thông tin.
Đáng chú ý, tại khoản 3 Điều 38 luật này quy định kể từ ngày có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31-12-2022.
Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Theo Luật Cư trú sửa đổi, người dân được sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết 31-12-2022. Ảnh: HOÀNG GIANG
Luật cũng bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương. Ngoài các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú như hiện nay, Luật Cư trú năm 2020 bổ sung sáu trường hợp xóa đăng ký thường trú.
Cụ thể, những người vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.
Những người đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam…
Không cắt điện, nước để cưỡng chế hành chính
Ngày 13-11, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.
Điểm đáng chú ý, QH đã không đồng ý đưa quy định bổ sung biện pháp cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp cắt điện, cắt nước vào dự luật (Điều 86 dự thảo luật).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước... Lý do, qua tổng kết thi hành luật thì thấy với các quy định hiện hành, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói: “Điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác”.
Hơn nữa, việc áp dụng biện pháp này là “can thiệp sâu vào quan hệ dân sự” nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện cung ứng và bên được cung cấp dịch vụ.
Cấm dịch vụ đòi nợ thuê
Năm qua QH cũng đã thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), có hiệu lực từ 1-1-2021. Đáng chú ý là luật này có quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà trước đây từng được cấp phép hoạt động.
Trước đó, vào ngày 26-5, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho biết hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ủy ban Thường vụ QH đã đưa ra hai phương án để QH xem xét, quyết định.
Cụ thể, phương án 1 là quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Lý do là thời gian qua, dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản. Họ gây áp lực đối với con nợ, cho vay lãi nặng, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Phương án 2 không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà quy định tại danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.
Lý do là việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.
Thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa
Ngày 16-6, QH đã biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Theo đó, TAND Tối cao là cơ quan cấp chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hòa giải viên. Những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, thanh tra viên, chấp hành viên thi hành án dân sự, thẩm tra viên tòa án ngạch thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp, thư ký tòa án ngạch thư ký viên chính, thư ký viên cao cấp… thì đương nhiên có thể là hòa giải viên.
Dự luật cũng quy định sau khi nhận được thông báo của thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại về việc chuyển vụ việc đến hòa giải viên để tiến hành hòa giải, đối thoại. Người bị kiện có quyền đồng ý, từ chối hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại vào bất kỳ thời điểm nào và yêu cầu hòa giải viên chuyển vụ việc cho tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng.
Theo đó, chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm, trừ một số trường hợp.
Sẽ có luật riêng về hộ kinh doanh
QH cũng đã thông qua Luật DN sửa đổi, có hiệu lực từ 1-1-2021. Đáng chú ý, luật đã bỏ hẳn một chương (chương VIIa) quy định về hộ kinh doanh để xây dựng một luật riêng.
Trước đó, thảo luận tại hội trường, nhiều ĐBQH cho rằng đưa hộ kinh doanh vào Luật DN thì ít có lợi. Cụ thể, số hộ kinh doanh hiện nhiều gấp 5-6 lần số DN, bản chất hoạt động, cách thức và quy mô của hộ kinh doanh rất khác so với DN. Đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh thành luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn.
Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Điểm chung của các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết là phải luật hóa về hộ kinh doanh.
Ngoài việc bãi bỏ được một số rào cản đang cản trở hoạt động của hộ kinh doanh, ông Dũng nói dự luật không làm phát sinh thủ tục hành chính, không tác động tiêu cực mà ngược lại còn tạo động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh khi có đủ điều kiện chuyển sang hoạt động theo loại hình DN.