Năm 2022: GDP bình quân đầu người đạt 95,6 triệu đồng/người

(PLO)- Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết GDP cả năm ước tăng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022.

Sáng 29-12, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của quý IV/2022 và cả năm 2022.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 phục hồi tích cực với những tiến triển tốt và đồng đều trên cả 3 khu vực. Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,36%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; dịch vụ tăng 9,99%.

Tính riêng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92%, GDP năm 2022 tăng 8,02%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Một điểm sáng nữa của bức tranh kinh tế là khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Cụ thể, một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế là bán buôn, bán lẻ (tăng 10,15%); vận tải kho bãi (tăng 11,93%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 40,61%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 9,03%); ngành thông tin và truyền thông (tăng 7,80%).

Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch COVID-19 đã được kiểm soát.

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 USD/lao động), tăng 622 USD so với năm 2021.

Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,8% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2022 đạt 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 cũng tăng 4,3% so với năm trước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 12/2022 ước đạt 125,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 12/2022 ước đạt 203,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán năm và tăng 8,1% so với năm trước, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp tăng. Tính chung năm 2022, cả nước có 208,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu tăng tăng 23,6% so với năm 2021. Đồi sống dân cư và an sinh xã hội được đảm bảo.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: Tổng cục Thống kê.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Ảnh: Tổng cục Thống kê.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới