Nam Bắc Triều Tiên: Nước mắt ngày gặp lại sau 68 năm

Tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương ở đông bắc Triều Tiên hôm nay 20-8 diễn ra buổi lễ đoàn tụ gia đình hai miền Nam Bắc vô cùng xúc động.

Việc tổ chức đoàn tụ gia đình này được thống nhất trong tuyên bố chung Bàn Môn Điếm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký trong cuộc thượng đỉnh ngày 27-4.

Có 89 gia đình may mắn được lựa chọn tham gia buổi đoàn tụ này, trong hơn 57.000 gia đình có đơn đề nghị. Hơn 60% người dân hai miền đến buổi đoàn tụ đều đã trên 80 tuổi, mỗi người đều có con cháu hộ tống đi cùng.

Nước mắt mẹ con 68 năm gặp lại

“Sang-chol” – bà cụ 92 tuổi Lee Keum-seom chỉ kịp thốt lên rồi ngã vào vòng tay của người con trai cách biệt 68 năm của mình, nay cũng đã 72 tuổi.

Bà cụ Lee đã phải đợi đằng đẵng 68 năm cho giờ phút này, sau khi hai miền Nam-Bắc chia cách trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, khiến hai mẹ con bà phải chịu cảnh ly biệt giữa hai bên giới tuyến.

Bà cụ Lee Keum-seom 92 tuổi gặp con trai Ri Sang-chol nay đã cũng là một ông cụ 72 tuổi, sau 68 năm ly biệt, tại buổi đoàn tụ gia đình hai miền tổ chức ở khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương ở đông bắc Triều Tiên ngày 20-8. Ảnh: CNN

Con trai bà, ông Ri Sang Chol chỉ mới 4 tuổi khi lạc mất mẹ. Giờ thì ông đã là một cụ ông 72 tuổi. Ngày gặp lại hôm nay, ông ngồi đợi mẹ đến cùng với con dâu mình. Đi cùng bà cụ Lee là hai cô con gái - em gái của ông Sang Chol – sống cùng mẹ ở miền Nam.

Lau đôi mắt đỏ hoe sau một lúc lâu khóc trên vai mẹ, ông Sang-chol đưa cho mẹ xem một bức ảnh của chồng bà - người đã thất lạc cùng con trai ở miền Bắc khi hai miền liên Triều chia cách – và đã mất.

“Mẹ ơi, đây là ảnh bố con” – ông Sang-chol nói, bật lên tiếng nấc.

Trước khi lên đường sang miền Bắc hôm nay, bà cụ Lee nói với CNN  rằng suốt bao chục năm qua bà luôn cầu nguyện cho con trai tiếp tục sống, đến chừng mẹ con có thể gặp nhau.

“Gia đình tôi ở miền Bắc không sống thọ, vì thế tôi luôn cầu nguyện cho sức khỏe con trai mình” – bà cụ Lee chia sẻ.

Mẹ con gặp lại sau 68 năm. Ảnh: CNN

Bà cụ Lee cho biết đã rất hồi hộp về cuộc gặp, vì lúc lạc nhau con trai bà mới chỉ là cậu bé 4 tuổi, lòng ngổn ngang trăm thứ mà không biết phải nói gì trước với con.

“Tôi sẽ hỏi con cái gì đây? Tôi nên hỏi con liệu bố nó có kể gì về tôi với nó không. Bố nó chắc chắn có nói về chuyện làm sao chúng tôi bị chia tách và hiện tôi đang sống ở đâu. Có lẽ tôi sẽ hỏi nó chuyện này” – bà cụ Lee nói với CNN.

Nhưng rồi khi gặp nhau, không một chút chần chừ xa cách, hai mẹ con – nay đã là cụ bà, cụ ông – ôm chặt lấy nhau ngập tràn nước mắt. Suốt buổi đoàn tụ, hai mẹ con không hề rời tay nhau.

Niềm vui nhiều, ngậm ngùi không ít

Cuộc đoàn tụ giữa bà cụ Lee và con trai chỉ là một trong nhiều cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt của nhiều gia đình Nam Bắc tại núi Kim Cương sáng nay.

Tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương, nhiều người không dấu được vẻ hồi hộp, căng thẳng khi chờ đợi gặp lại chồng, vợ, anh, chị, em, con cháu mà hình ảnh họ đã nhạt nhòa khi ký ức chịu thách thức những 68 năm.

Bà Ahn Seung-chun qua Triều Tiên với mong mỏi gặp các thành viên gia đình mà bà chưa hề gặp lần nào trong suốt mấy chục năm qua.

“Tôi làm đơn xin qua gặp anh trai mình. Nhưng ông ấy đã mất và tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp lại anh mình nữa. Tôi sẽ được gặp chị dâu và các cháu. Tôi buồn vì không được gặp anh trai, nhưng mặt khác tôi cũng vui vì được gặp cháu mình. Ít nhất tôi cũng gặp được dòng máu của anh trai mình” – bà Ahn nói.

Hàng chục người dân miền Nam nay đã già yếu sang miền Bắc đoàn tụ với người thân lần đầu tiên kể từ khi bị chia cách gần 7 thập niên qua. Ảnh: CNN

Sau giờ phút gặp gỡ đầy nước mắt, các gia đình được các nhà tổ chức chụp ảnh chung. Những tấm ảnh được rửa ra, lộng khung cho các gia đình mang về lưu niệm.

Ngày trước đó, các thành viên gia đình miền Nam tham gia buổi gặp đã được tập trung tại khách sạn nghỉ dưỡng Hanwha ở TP Sokcho, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc), phía nam khu phi quân sự liên Triều để khám sức khỏe chuẩn bị chuyến đi. Họ được dặn dò cẩn thận lời nói nhạy cảm chính trị để tránh hiểu lầm.

Một người đàn ông đã đến buổi lễ phản đối đơn chuyện đề nghị của cha mình không may bị từ chối trong dịp đoàn tụ này.

“Tôi không biết khi nào ông sẽ chết. Ông đã bắt đầu có dấu hiệu mất trí nhớ. Trước khi ông quên tất cả, ông muốn được cùng đi. Nhưng rồi hết lần này đến lần khác ông chỉ có thể ngồi nhà xem qua truyền hình và đau đớn.

Lúc chia cách, bố tôi ở miền Nam chỉ có một mình. Quý vị có tưởng tượng được ông nhớ gia đình mình thế nào không? Ông muốn được nghe tin về quê mình trước khi chết” – người đàn ông tên Kim Seong-jin đau đớn nói về trường hợp của cha mình.

Các gia đình miền Nam chào cờ trong buổi gặp do nhà chức trách Hàn Quốc tổ chức tại khách sạn nghỉ dưỡng Hanwha ở TP Sokcho, tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) ngày 19-8, trước ngày xuất phát sang miền Bắc – Triều Tiên. Ảnh: CNN

Nói với CNN, ông Park Kyung-seo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc lấy làm tiếc khi số gia đình được chọn tham gia đoàn tụ lần này quá ít ỏi.

“Tôi chia sẻ đây với tất cả sự thất vọng của những gia đình không được chọn, và tôi sẽ làm việc với các đối tác Triều Tiên để cố gắng tìm các giải pháp khác. Một số lượng khổng lồ các gia đình đang đợi, mà con số hôm nay quá hạn chế.

Tưởng tượng 73 năm không biết các thành viên gia đình mình còn sống hay chết, không có bất cứ tin tức gì…Thật đau đớn, thật là một thảm kịch nhân đạo không thể tưởng tượng được” – CNN dẫn lời ông Park. 

Hàng thập niên nay, Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc đã nỗ lực để nhiều cuộc đoàn tụ gia đình hai miền có thể diễn ra, nhưng vẫn còn hàng ngàn gia đình chưa được gặp lại nhau. Và thời gian không chờ đợi. Đã có hơn 75.000 thành viên gia đình từ miền Nam qua đời kể từ khi Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc xúc tiến tiến trình đoàn tụ. Ngay trong buổi đoàn tụ hôm qua, nhiều người miền Nam phải đến gặp người thân miền Bắc trên những chiếc xe lăn.

Mục tiêu là thống nhất

Trong ngày 20-8 Tổng thống Moon Jae-in ra tuyên bố kêu gọi người dân hai miền cùng nỗ lực để có thêm các cuộc đoàn tụ nữa trong tương lai, nhắc đến thực tế dòng họ ông vốn là người từ Triều Tiên qua.

“Mở rộng và xúc tiến đoàn tụ phải là ưu tiên cao nhất của mọi dự án nhân đạo hai miền đang thực hiện. Hai miền phải quyết tâm hơn nữa, nỗ lực hơn nữa tiến tới giải quyết vấn đề chia cách gia đình. Bản thân là một thành viên của một gia đình chia cách, tôi đồng cảm sâu sắc với nỗi buồn và nỗi đau này. Thật sự không còn thời gian” – ông Moon nói trong tuyên bố.

Đoàn xe chở thành viên gia đình miền Nam tiến về khu phi quân sự liên Triều sáng 20-8. Ảnh: CNN

Hai miền liên Triều vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, tạm ngừng chiến nhờ thỏa thuận ngừng bắn năm 1953 – vốn đã không thể trở thành một hiệp ước hòa bình dù đã hàng chục năm trôi qua. Vẫn còn nhiều cuộc xung đột xảy ra ở hai bên của khu phi quân sự. Miền Bắc thì phát triển vũ khí hạt nhân, miền Nam thì có sự hiện diện quân sự dày đặc của Mỹ.

Chính thức chấm dứt chiến tranh là một mục tiêu chủ chốt tuyên bố chung Bàn Môn Điếm hướng đến. Có tia hy vọng khi cả hai miền Nam Bắc đều nói sẽ tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu này, thậm chí trong trường hợp thương lượng giải trừ hạt nhân giữa Triều Tiên với Mỹ có bị kẹt lại đi nữa.

Tuần rồi, truyền thông Triều Tiên kêu gọi Mỹ đồng ý chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, rằng đây là “tiến trình mở đầu và cần thiết để tạo nền tảng giảm căng thẳng và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên”.

“Mỹ nên thực hiện các biện pháp mang tính giai đoạn và đồng thời, như tuyên bố chấm dứt chiến tranh, xây dựng lòng tin lẫn nhau, tạo bước ngoặt trong an ninh thế giới” – theo báo Rodong Sinmun của Triều Tiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới