Người viết đơn bị đe dọa
Đầu năm 2010, bức xúc chuyện những hộ kinh doanh phớt lờ những qui định về giết mổ động vật trong khu vực dân cư, nhiều lần phản ánh nhưng không hiệu quả, anh Nguyễn Ngọc Thành (ngụ ấp 3, xã Long Hòa, huyện Cần Đước) quyết định viết đơn tố cáo nêu đích danh một số cá nhân mua bán gia cầm tại chợ Long Hòa.
Trong đơn anh nêu rõ việc giết mổ không tuân thủ khuyến cáo của chi cục thú y nên rất dễ có nguy cơ làm lây lan mầm bệnh ra cộng đồng và đề nghị các ngành chức năng địa phương kiểm tra chấn chỉnh.
Thay vì kiểm tra theo đơn của dân xem đúng sai thế nào thì ông Bùi Thanh Phương - cán bộ Ban quản lý chợ Long Hòa lại làm điều ngược lại. Ông cho những người bị tố cáo biết anh Thành chính là tác giả của lá đơn. Công việc làm ăn đang thuận lợi bất ngờ có kẻ dám “thọc gậy bánh xe”, những người bị nêu đích danh trong đơn tìm mọi cách trả thù.
Một số hộ giết mổ tìm biện pháp cô lập anh Thành, tung ra nhiều thông tin gây ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình anh.
Quá bức xúc, anh làm đơn gởi Đảng ủy, UBND xã Long Hòa đề nghị xử lý ông Phương do làm lộ bí mật người tố cáo theo qui định của pháp luật.
Thế nhưng, thời gian trôi qua khá lâu, chẳng ai quan tâm giải quyết. Mỗi lần anh đến xã gặp cán bộ có trách nhiệm “hỏi cho ra lẽ” thì đều được trả lời: bận họp, bận bàn những việc có tầm quan trọng đối với địa phương nên không có thời gian giải quyết đơn của anh.
Làm việc ở quán bia có tiếp viên "phục vụ"
Ngày 24-6, anh Thành gọi điện thoại gặp ông Lại Văn Bi - Bí thư xã Long Hòa hỏi lý do sao lâu quá chưa giải quyết đơn khiếu nại của anh. Đầu dây bên kia, ông Bi cho rằng vụ việc trên không thuộc thẩm quyền của ông mà thuộc UBND xã.
Tin tưởng vào người lãnh đạo cao nhất ở địa phương, anh Thành xin gặp ông Bi để trình bày. Một lần nữa ông Bi từ chối với lý do: bận việc!
Qua một số người quen, anh Thành biết ông Bi cùng một số cán bộ xã đang nhậu ở một quán nổi tiếng “tươi mát” cách trụ sở UBND xã Long Hòa không xa. Anh “liều mình” chạy vào quán, đẩy cửa vào trong và tận mắt chứng kiến những cán bộ đang “làm việc” tại bàn nhậu, xung quanh có tiếp viên hầu rượu.
Trong cái chòi lá khá kín đáo, lúc này ngoài ông Bi còn có ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã, ông Trần Tấn Danh - Bí thư xã vừa mãn nhiệm, ông Võ Văn Trinh - Phó chủ tịch HĐND xã và một cán bộ khác tên Ngô, đang cụng ly với hai cô tiếp viên ăn mặc “tươi mát”.
Chỉ tay vào từng người, anh Thành nói lớn: “Mấy ông không có thì giờ giải quyết chuyện của dân nhưng lại có thời giờ vào đây uống bia ôm phải không?”. Nói xong, anh liền gọi điện cho một số cơ quan chức năng huyện Cần Đước thông báo việc mình bắt quả tang năm cán bộ xã đang uống bia ôm, đề nghị họ đến chứng kiến.
Chờ lâu không thấy ai đến, anh Thành lại gọi cho Chủ tịch UBND huyện Cần Đước nói rõ đang bắt quả tang Bí thư, Chủ tịch xã đang uống bia trong giờ làm việc. Đến lúc này, Chủ tịch huyện ghi nhận cuộc điện đàm và báo cho Bí thư huyện ủy biết để xử lý. Khá bất ngờ trước việc làm của anh Thành, năm cán bộ đang nhậu lục tục kéo nhau ra về.
Ngày 5-8-2010, Huyện ủy Cần Đước gởi văn bản đến anh Thành cho biết, đã kiểm điểm, phê bình những người “tiếp khách” trong giờ làm việc vi phạm công văn 177 của Tỉnh uỷ. Các cán bộ lãnh đạo xã Long Hòa bị anh Thành bắt quả tang nhậu tại đây đã thành khẩn nhìn nhận thiếu sót của mình với nhiều lý do khác nhau.
Huyện ủy Cần Đước cũng kiểm điểm, phê bình bí thư, chủ tịch xã Long Hòa, yêu cầu không tái phạm trong đó nói rõ: “Phải dành nhiều thời gian hơn nữa giải quyết những thắc mắc, khiếu nại của người dân tại cơ sở”.
Điều mà người dân địa phương đặt ra, công dân viết đơn tố giác lại bị cán bộ cung cấp cho người bị tố giác mà chẳng xử lý. Cán bộ nhậu giờ trưa (không phải tiếp khách) lại có tiếp viên phục vụ, có vi phạm đạo đức?
Theo TRÍ THƯ (CATP)