Năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm dư nợ tiêu dùng bất động sản

(PLO)- Lý giải vì sao tăng trưởng tín dụng thấp, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN chỉ ra 4 nguyên nhân chính.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại hội thảo ''Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm'' tổ chức ngày 22-8, NHNN cho biết những tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng rất thấp và chỉ mới có tín hiệu tích cực một chút từ tháng 6.

Dù vậy, tính đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với mức 9,45% cùng thời điểm năm 2022.

Sức hấp thụ vốn giảm sút

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, diễn biến này phản ánh khó khăn chung của nền kinh tế, cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm sút rất nhiều.

Bà Hà Thu Giang chỉ ra nhiều nguyên nhân, mà trước hết là nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 thì lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Dù một số chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước đang có xu hướng diễn biến tích cực, như xuất khẩu tháng 7 tăng 2,1% so với tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 3,9%... nhưng chiều hướng đi xuống của các tháng trước đó quá sâu, nên tính chung 7 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ không chỉ năm 2022 mà cả các năm trước nữa.

Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, tài chính còn thiếu minh bạch...

Nhu cầu vay vốn bất động sản giảm

Một nguyên nhân quan trọng đến từ ngành bất động sản (BĐS). Tín dụng BĐS thường chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng nhu cầu tín dụng nhưng nhóm này đang tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung.

Cụ thể, dư nợ kinh doanh BĐS trong 6 tháng đầu năm 2023 dù tăng trưởng 17,41% vượt tốc độ tăng trưởng 10,73% của cả năm 2022, nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng BĐS thường chiếm đến 65% dư nợ tín dụng BĐS lại giảm 1,12%.

Đáng chú ý, 2023 là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm dư nợ tiêu dùng BĐS trong ba năm gần đây. Để so sánh, cuối năm 2022, chỉ số này tăng 31,01%.

Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua BĐS với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng vẫn đang sụt giảm.

Dù sao, diễn biến trên cho thấy những giải pháp mà Chính phủ, toàn ngành ngân hàng cũng như cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nhiều vướng mắc về mặt pháp lý của các dự án BĐS dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là ưu tiên trong thời điểm hiện tại. Cùng với đó, cơ cấu sản phẩm BĐS không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân... nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng.

Bà Hà Thu Giang cũng lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước. Tháng 6-2022 là 1,53%, tháng 6-2023 là 2,47%.

Cuối cùng, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm…

Do đó, ngân hàng với yêu cầu cao nhất là bảo đảm an toàn hệ thống không thể hạ được chuẩn tín dụng, nên rất khó khăn trong quyết định cho vay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm