Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động:
Làm sạch môi trường bán lẻ online
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ đa ngành, chúng tôi hy vọng TP.HCM tiếp tục có những chính sách tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế. Cả người dân lẫn doanh nghiệp sẽ được hưởng các dịch vụ công nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả.
Khi TP.HCM được hưởng cơ chế đặc thù, doanh nghiệp mong muốn sẽ thấy được những cải cách mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực quản lý thị trường, sở hữu trí tuệ, thủ tục cấp phép cho các chương trình khuyến mãi... Đặc biệt, TP cần có chính sách quản lý, chế tài xử phạt nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hành vi giả mạo tên tuổi, cửa hàng, nhất là trên môi trường online.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập, tổng giám đốc Tiki.vn:
Thương mại điện tử cần hành lang pháp lý “thoáng”
Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng chứng tỏ tính ưu việt của nó và dần mở rộng thị phần trên khắp thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cái khó trong quá khứ của TMĐT chính là sự thiếu hụt của các mảnh ghép quan trọng của hệ sinh thái TMĐT: hành lang pháp lý, đầu tư vào công nghệ, giao hàng, thanh toán, kho bãi, thậm chí là nhân sự có kinh nghiệm.
Vì thế, tôi hy vọng Nhà nước cần có hành lang pháp lý “thoáng” để thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế về TMĐT đầu tư vào Việt Nam hơn; đừng coi TMĐT như là một kênh quảng cáo; có chế tài mạnh mẽ hơn với những trang TMĐT kém uy tín, bị nhiều khách hàng phản ánh…
Trong nhiều năm tới, các công ty TMĐT sẽ giải quyết một thách thức khá lớn của TMĐT là về vận chuyển. Giao hàng càng nhanh thì chi phí càng cao. Vậy, đề bài là làm sao để việc giao hàng vừa nhanh nhất mà chi phí cũng phải hợp lý nhất. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng TP.HCM có chính sách ưu đãi cho sự phát triển này khi được hưởng cơ chế đặc thù.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam:
Mong thủ tục bớt rườm rà
Điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp chẳng phải là vốn, bởi nếu không vay ngân hàng được thì huy động từ cổ đông. Ngay cả hạ tầng kết nối cũng không phải là yếu tố quyết định. Bởi doanh nghiệp muốn đầu tư dự án ở quận X, Y, Z song nếu thấy hạ tầng ở khu vực này kém quá thì doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án đầu tư khác. Nhưng về thủ tục pháp lý thì chỉ có duy nhất một sự lựa chọn. Không qua được “cửa này”, doanh nghiệp chẳng thể làm được gì cả.
Do đó, điều doanh nghiệp cần nhất là Nhà nước tạo điều kiện thông thoáng và rút ngắn quy trình khi thực hiện các thủ tục pháp lý. Trong muôn vàn thủ tục thì thủ tục pháp lý đối với một dự án bất động sản là rườm rà nhất. Bất cứ dự án nào cũng phải đi qua rất nhiều bộ, sở, ban, ngành như giao thông, tài nguyên môi trường, xây dựng, quy hoạch kiến trúc, tài chính… trong khi có những thủ tục hoàn toàn có thể tinh giản được. Chẳng hạn muốn biết khu vực đó được xây dựng với độ cao bao nhiêu thì phải được cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận độ cao tĩnh không. Vậy tại sao cơ quan này không công bố luôn là tại khu vực quận 1 tối đa không quá bao nhiêu tầng, khu vực gần sân bay tối đa không quá bao nhiêu tầng? Nếu công bố cụ thể như vậy thì rõ ràng doanh nghiệp khỏi cần phải làm thủ tục xin phép.
Hiện nay, để hoàn chỉnh pháp lý một dự án, doanh nghiệp địa ốc phải mất ít nhất từ hai đến bốn năm. Nếu khi hưởng cơ chế đặc thù, TP.HCM có giải pháp thực hiện quy trình này nhanh hơn, chỉ cần rút ngắn được một nửa thời gian thôi là doanh nghiệp đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí phát triển dự án và quan trọng nhất là tận dụng được cơ hội kinh doanh.
Ông Nguyễn Công Đồng, Giám đốc INSEE Ecocycle Việt Nam:
Cần môi trường cạnh tranh công bằng
INSEE, tiền thân là Công ty Holcim Việt Nam, đã hoạt động hơn 10 năm trong lĩnh vực quản lý và xử lý chất thải rắn tại Việt Nam, văn phòng chính nằm tại TP.HCM.
Về mặt chính sách, chúng tôi cảm thấy những bước thay đổi rõ rệt từ phía Nhà nước trong những năm gần đây theo hướng tốt hơn, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực môi trường và năng lượng tái tạo. Hơn bao giờ hết, hiện nay chúng tôi cảm thấy hào hứng trong việc góp sức cho sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng bằng giải pháp xử lý chất thải của doanh nghiệp.
Chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng phương pháp xử lý thân thiện với môi trường bằng cách này hay cách khác (như các nước trên thế giới thường áp dụng mức thuế môi trường ưu đãi hơn cho các công ty sử dụng giải pháp xử lý thân thiện với môi trường…). Đồng thời, thắt chặt hơn vấn đề quản lý cấp cơ sở và có những biện pháp chế tài để ngăn chặn triệt để các sai phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nếu làm tốt được việc này thì mới tạo được môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững.