Năm 2017 nhiều sóng gió của ngành y tế đã qua. Những ngày cuối năm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có thời gian ngồi lại để trò chuyện cùng Pháp Luật TP.HCM.
Không bỏ rơi bệnh nhân vì nghèo khó
. Phóng viên:Bà có cảm thấy hài lòng về những kết quả ngành đã đạt được trong năm 2017 không?
+ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngành y tế năm 2017 đạt được điểm cộng ở khá nhiều lĩnh vực. Ngày 21-2-2017, thành công của ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam đã đánh dấu nền y học Việt trên bản đồ ghép tạng thế giới. Tới nay ngành đã thực hiện trên 1.500 ca ghép tạng quan trọng, thường gặp trong lâm sàng (thận, tim, gan, tụy, phổi) với tỷ lệ thành công tương đương nhiều nước tiên tiến…
Theo thống kê, mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế trong năm 2017 đạt 89,8%. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người bệnh phàn nàn về thái độ phục vụ của một bộ phận nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong các bệnh viện, nhất là các bệnh viện quá tải. Tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị và các dịch vụ hỗ trợ tại một số bệnh viện cũng bị người dân phản ánh nhiều.
Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2018 là đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh; hoàn thành đề án giảm tải bệnh viện; triển khai các bệnh viện vệ tinh…
Công việc năm này xong năm khác lại tiếp tục với những mục tiêu mới. Năm qua tôi cũng có hài lòng một số vấn đề, nhưng trăn trở vẫn còn vô số, mức độ hài lòng không trọn vẹn.
. Vậy năm 2018 ngành y tế sẽ hướng đến những nhiệm vụ gì?
+ Năm 2018, với nghị quyết chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới, ngành y tế phải thực hiện được ba nhiệm vụ quan trọng.
Một là chăm sóc sức khỏe người chưa bị bệnh. Đó là chăm sóc bảo vệ, nâng cao sức khỏe gắn chặt với khám sức khỏe ban đầu từ cân nặng, tiêm chủng đến ăn uống, y tế dự phòng... Cố gắng để mọi người dân đều có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, không vì khó khăn tài chính mà bị bỏ rơi.
Hai là chăm sóc bệnh nhân. Điều này bắt buộc ngành y tế làm sao người bệnh vào nằm điều trị kể cả công lập lẫn ngoài công lập phải hài lòng với chất lượng, kỹ thuật. Bên cạnh đó tập trung vào đề án giảm tải, phát triển thùng thư góp ý, đường dây nóng… Hướng tới chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, không để người nhà phải chăm sóc nhằm tránh các nguy cơ lây nhiễm không đáng có.
Nhiệm vụ thứ ba mang tính chất quan trọng không kém là tài chính y tế, nhân lực y tế. Y tế muốn chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt, phát triển kỹ thuật cao phải có cơ chế tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy phải hướng tới đào tạo chuyên khoa, bồi dưỡng kiến thức cho con người, tìm kiếm nguồn đầu tư mang lại lợi ích cho y tế…
Mong nhân viên y tế được làm việc an toàn
. Là nữ bộ trưởng duy nhất của Việt Nam, trong quản lý, điều hành công việc, bà trăn trở, tâm tư nhất vấn đề gì?
+ Tôi trăn trở nhất về việc giữ lửa cho ngành y, đặc biệt là bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người thầy thuốc.
Năm 2017 đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung hoặc bị đe dọa, chửi rủa.
Có một thực tế đáng buồn là đa số những người hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ hay có tiền án, tiền sự, mà là những người dân bình thường, thậm chí có cả những cán bộ nhà nước hay doanh nhân thành đạt. Bộ Y tế kêu gọi chính quyền các cấp áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.
. Bộ Y tế có đường dây nóng để giải quyết bức xúc của người dân. Vậy đến nay, sau hơn ba năm thực hiện, đường dây nóng đã mang lại những hiệu quả gì?
+ Trong ba năm, đường dây nóng của Bộ Y tế đã tiếp nhận gần 156.000 cuộc gọi phản ánh các nội dung liên quan đến công tác khám chữa bệnh. Đã có hơn 26.500 cán bộ y tế bị nhắc nhở, khiển trách, cắt thi đua, điều chuyển vị trí công tác… Tổng đài đường dây nóng 1900-9095 tiếp nhận xuyên suốt các thông tin, bất kể ngày nghỉ lễ, Tết.
Nếu bức xúc với nhân viên y tế, người bệnh hoặc người thân cứ gọi đến đường dây nóng để chúng tôi kiểm tra, xử lý. Không nên dùng đến vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, đây là hành động vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn.
Giữa tháng 10-2017, chúng tôi có dịp quan sát phong cách làm việc của bà Tiến tại Yên Bái, Phú Thọ. Đó là thời điểm các địa phương này chịu mất mát và thiệt hại nặng nề trong cơn lũ lịch sử. Vừa tới Yên Bái, bà đã tới thăm hỏi các gia đình chịu thiệt hại, sau đó làm việc với Sở Y tế địa phương đến cuối ngày. Mờ sáng hôm sau, bà lên xe di chuyển qua Phú Thọ. Vừa tới trạm y tế xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, Phú Thọ, trao đổi với lãnh đạo trạm vài câu, bà vào thăm hỏi bà con ngay. “Y tế cơ sở rất quan trọng, phải quan tâm và chú trọng, cẩn thận từng khâu một. Nhân viên các trạm y tế xã, huyện còn rất nghèo, lương lại thấp. Vì vậy các ông trên sở phải nghiên cứu làm sao có chế độ đãi ngộ cho anh em, giúp đỡ họ hoàn thành trách nhiệm” - bà liên tục nhấn mạnh trong hai cuộc họp liên tiếp tại tỉnh Phú Thọ. Hơn 1 giờ chiều, khi đã ngớt việc, bà ngồi lại ăn cùng anh em địa phương bát cơm trắng, rau sạch miền núi rồi chào mọi người lên đường về. Vẫn còn một cuộc họp đang chờ ở Hà Nội. Trò chuyện với chúng tôi, những người gắn bó với bộ trưởng cho hay sức làm việc của bà đến thanh niên còn phải nể phục. Có những hôm phải họp rất căng thẳng đến tận đêm, dứt họp bà lại ra máy bay đi tỉnh vì mai lại làm việc với miền Nam. “Nhưng bất kể cuộc họp nào chị cũng luôn tham dự với tinh thần rất tỉnh táo, sáng suốt. Chị có một gia đình phía sau vững chắc, có anh em đồng lòng nên dù sóng gió đến đâu vẫn vượt qua được”. |