Nam Phi kiện Israel: Tác động của phán quyết ICJ tới cuộc chiến ở Gaza

(PLO)- Giới phân tích nhận định dù phán quyết đầu tiên của ICJ trong vụ Nam Phi kiện Israel diệt chủng ở Gaza sẽ khó thực thi nhưng nó có ý nghĩa pháp lý và chính trị đáng kể.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần qua, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã đưa ra phán quyết đầu tiên về vụ Nam Phi kiện Israel diệt chủng người dân Palestine ở Dải Gaza trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas làm hơn 26.000 người dân Gaza thiệt mạng.

Phán quyết ngày 26-1 được nhận xét là phán quyết đáng chú ý nhất kể từ khi ICJ - cơ quan xét xử chính của Liên hợp quốc (LHQ) - thành lập, cũng như kể từ khi Công ước Diệt chủng năm 1948 ra đời, theo hãng tin AP.

Trong tuần này, dự kiến vào ngày 31-1 Hội đồng Bảo an LHQ sẽ họp bàn về phán quyết vừa qua của ICJ với vụ Nam Phi kiện Israel, kênh Al Jazeera đưa tin.

Là “lời nhắc nhở quan trọng” hay “rất đáng thất vọng”?

Tại phiên tòa ngày 26-1 xử vụ Nam Phi kiện Israel, sau hơn 45 phút trình bày và giải thích các cáo buộc từ hai phía, hội đồng gồm 17 thẩm phán của ICJ đã ra phán quyết gồm sáu “biện pháp tạm thời” mà Israel phải thực hiện để “ngăn chặn các hành động diệt chủng”.

Đầu tiên, phán quyết yêu cầu Israel “thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình” để ngăn chặn hành vi vi phạm Công ước Diệt chủng”. Thứ hai, Israel phải đảm bảo lực lượng Phòng vệ Israel không thực hiện hành vi diệt chủng ở Gaza. Thứ ba, Israel phải thực hiện mọi biện pháp “để ngăn chặn và trừng phạt hành vi kích động” có thể phạm tội diệt chủng ở Dải Gaza.

Ngoài ra, tòa yêu cầu Israel thực hiện các biện pháp “tức thời và hiệu quả” để cung cấp các dịch vụ cần thiết và hỗ trợ nhân đạo cho người dân Gaza. ICJ cũng lệnh cho Israel đảm bảo lưu giữ các bằng chứng liên quan cáo buộc diệt chủng. Cuối cùng, tòa yêu cầu Israel nộp báo cáo cho tòa về tất cả biện pháp được thực hiện nhằm thực thi phán quyết trong vòng một tháng kể từ ngày ra phán quyết.

Bên cạnh đó, ICJ cũng bác bỏ quan điểm của Israel rằng vụ kiện của Nam Phi là “giả mạo và suy đoán”, đồng thời cho phép Nam Phi tiếp tục khởi kiện. Tuy nhiên, yêu cầu quan trọng nhất trong đơn kiện của Nam Phi chính là kêu gọi Israel ngừng chiến tranh đã không được các thẩm phán thông qua.

Giới phân tích nhận định phán quyết của ICJ đánh dấu bước thụt lùi về mặt pháp lý đối với Israel. Sau phán quyết, dù Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ sự hoan nghênh khi ICJ không kêu gọi ngừng bắn nhưng cho biết việc vụ kiện vẫn tiếp tục là “rất đáng thất vọng”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để bảo vệ đất nước và người dân của chúng tôi” - tờ The Times of Israel dẫn lời ông Netanyahu. Ngoài ra, các đồng minh của Israel là Mỹ và Anh cũng bày tỏ “quan ngại đáng kể” về phán quyết của ICJ trong vụ Nam Phi kiện Israel.

Trong khi đó, Nam Phi gọi phán quyết là một “chiến thắng quyết định” đối với luật pháp quốc tế và cho biết Nam Phi hy vọng Israel không cản trở thực thi phán quyết. Nam Phi cũng tuyên bố sẽ tiếp tục hành động trong khuôn khổ các tổ chức toàn cầu để bảo vệ quyền của người Palestine ở Gaza. Bộ Ngoại giao Palestine hoan nghênh phán quyết và nhận xét đây là một “lời nhắc nhở quan trọng” rằng không có quốc gia nào đứng trên luật pháp.

Nam Phi kiện Israel - tac-dong-cua-phan-quyet-icj-voi-cuoc-chien-gaza.jpg
Các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tại trụ sở của tòa án ở TP The Hague (Hà Lan) trong ngày ICJ ra phán quyết đầu tiên về vụ Nam Phi kiện Israel. Ảnh: EPA - EFE

Ý nghĩa của phán quyết với cuộc chiến ở Gaza

Các phán quyết của ICJ có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng khó thực thi vì bản thân tòa án không có cơ chế thực thi phán quyết mà phải thông qua Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa phán quyết của tòa chỉ là lời nói suông, theo tờ The New York Times.

Đầu tiên, phán quyết vụ Nam Phi kiện Israel có thể ảnh hưởng đến tính toán chính trị của các bên liên quan, trong trường hợp này là Israel. Bà Zinaida Miller - giáo sư luật tại ĐH Northeastern University (Mỹ) nhận xét với tạp chí Time rằng phán quyết của ICJ có thể tăng áp lực quốc tế buộc Israel giảm thương vong dân thường cũng như tuân thủ một số điều khoản nhất định để tránh những bất lợi về lý lẽ có thể phát sinh sau này.

Ngoài ra, phán quyết ngày 26-1 cũng sẽ tác động đến quyết định của các đồng minh Israel. Tạp chí Foreign Affairs cho rằng việc Mỹ và châu Âu phản ứng thế nào trước phán quyết còn quan trọng hơn bản thân phán quyết.

“Một mệnh lệnh từ ICJ không thể thay đổi động cơ của một quốc gia tham gia chiến dịch quân sự mà các nhà lãnh đạo quốc gia này cảm thấy là cần thiết để bảo vệ an ninh đất nước. Nhưng nó có thể khiến các chính phủ đồng minh suy nghĩ kỹ về sự hỗ trợ của họ cho chiến dịch” - bà Kate Cronin-Furman, giáo sư tại ĐH University College London (Anh), nói với The New York Times.

Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng phán quyết của ICJ trong vụ Nam Phi kiện Israel là cơ sở để Mỹ thúc đẩy Israel giảm thương vong dân thường khi nỗ lực của Washington trong vấn đề này đến nay chưa đạt kết quả. Thậm chí, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây chịu áp lực từ dư luận trong nước và quốc tế khi số thương vong ở Gaza liên tục tăng.

Đến thời điểm hiện tại, gần ba ngày sau khi ICJ ra phán quyết, tình hình cuộc chiến dường như không có sự thay đổi nào và điều này nằm trong dự liệu của các thẩm phán.

Theo thẩm phán Joan E. Donoghue, chủ tọa phiên tòa, phán quyết ngày 26-1 chỉ là “biện pháp tạm thời” và tòa khả năng chưa thể có phán quyết cuối cùng trong vài năm tới. “Tình hình nhân đạo thảm khốc ở Dải Gaza có nguy cơ nghiêm trọng hơn nữa trước khi tòa án đưa ra phán quyết cuối cùng” - nữ thẩm phán cảnh báo.•

Quy trình tiếp theo của vụ kiện

Bước tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 26-2 khi Israel được yêu cầu nộp báo cáo về các hành động mà nước này đã thực hiện trong vòng một tháng kể từ ngày phán quyết có hiệu lực, theo đài Al Jazeera. Nam Phi khi đó sẽ có cơ hội phản hồi báo cáo này.

Sau đó, ICJ sẽ đánh giá báo cáo cũng như các thông tin về tình hình thực tế của Gaza. Nếu kết quả đánh giá là Israel không tuân thủ các điều khoản trong phán quyết đầu tiên, tòa sẽ áp đặt những điều khoản mới.

Ngoài ra, tòa cũng sẽ tổ chức các phiên điều trần tiếp theo về các bằng chứng mà Nam Phi đã cung cấp liên quan cáo buộc diệt chủng cũng như các phiên bào chữa của Israel. Sau đó, từng thẩm phán sẽ có đánh giá riêng về vụ việc và phán quyết cuối cùng của tòa sẽ được quyết định theo đa số thẩm phán.

Các chuyên gia cho rằng có thể phải 3-4 năm nữa phán quyết chính thức mới được thông qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm