WSJ: Israel lập vùng đệm bao quanh Gaza, nguy cơ nới rộng bất đồng với Mỹ

(PLO)- Có thông tin Israel lập vùng đệm bao quanh Gaza và điều này có thể khiến đồng minh Mỹ không hài lòng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ The Wall Street Journal trích một nghiên cứu của ĐH Hebrew (Israel) cho biết Israel đã san bằng gần 40% trong số 2.824 tòa nhà ở Gaza (Palestine) để xây dựng vùng đệm rộng khoảng 1 km bên trong dải đất này.

Theo tờ báo, các quan chức Israel cho rằng vùng đệm sẽ là lá chắn an toàn cho các cộng đồng Israel sống gần khu vực tiếp giáp Dải Gaza. Tuy nhiên, việc Israel lập vùng đệm bao quanh Gaza cũng có thể khiến Mỹ – đồng minh thân thiết của Israel – không hài lòng.

Israel lập vùng đệm bao quanh Gaza

Bắt đầu từ tháng 11-2023, một đơn vị dự bị của Israel đã làm việc ngày này qua ngày khác ở khu vực phía bắc Dải Gaza để tạo ra một vùng đất hoang.

WSJ: Israel lập vùng đệm bao quanh Gaza, nguy cơ nới rộng bất đồng với Mỹ
Bản đồ cho thấy Israel lập vùng đệm bao quanh Gaza. Đồ họa: THE WALL STREET JOURNAL; Việt hóa: KHOA ĐIỀM

Một người lính Israel cho biết nhiệm vụ của họ là dọn sạch một khu vực rộng 1 km dọc khu vực tiếp giáp Israel-Gaza. Đây được xem là một phần trong kế hoạch của Israel nhằm xây dựng khu vực an ninh ngay bên trong Gaza và người dân Gaza không được phép đặt chân đến khu vực này.

Đơn vị đã san bằng các nhà kính và hàng loạt công trình khác bằng máy ủi và những thiết bị xây dựng hạng nặng khác. Họ cũng lấp đất các đường hầm của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza) và cày xới các cánh đồng nông trại.

“Mọi thứ đã bị san phẳng. Nơi này trước đây là khu vực nông nghiệp. Bây giờ nó là một khu quân sự, một vùng đất hoàn toàn không có người ở” – người lính trên nói về kế hoạch Israel lập vùng đệm bao quanh Gaza.

Theo The Wall Street Journal, đối với giới chức Israel, vùng đệm là một biện pháp an ninh quan trọng trong kế hoạch phi quân sự hóa Gaza. Vùng đệm cũng là lá chắn an toàn, là lời đảm bảo với người dân Israel rằng họ có thể trở về khu vực gần Dải Gaza để sinh sống.

Ngoài ra, một vùng đất hoang vắng cũng tạo điều kiện dễ dàng để lực lượng Israel nhìn sang Gaza và ngăn chặn bất kỳ ai đến gần lãnh thổ Israel.

Trước đó, khi được hỏi về việc san bằng các khu vực dọc biên giới, phía Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đang dỡ bỏ “cơ sở hạ tầng khủng bố” và gọi công việc này là “bắt buộc, nhằm thực hiện kế hoạch phòng thủ, cải thiện an ninh ở miền nam Israel”.

Theo nghiên cứu của ông Adi Ben Nun – GS tại ĐH Hebrew, lực lượng Israel dường như đã phá hủy 1.072 trong số 2.824 công trình trong phạm vi 1 km tính từ biên giới Israel. Theo ông Adi Ben Nun, hầu hết tòa nhà đều là khu dân cư.

Khu vực được xây dựng nhiều nhất của vùng đệm là gần Khan Younis – TP lớn nhất ở miền nam Gaza. Nghiên cứu cho thấy 704 trong số 1.048 tòa nhà tại khu vực này, trong phạm vi 1 km tính từ biên giới Israel, đã bị phá hủy.

The Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức Israel cho biết vùng đệm có thể chỉ là tạm thời nhưng họ không đưa ra thời gian cụ thể là vùng đệm này sẽ tồn tại trong bao lâu. Họ cũng không mô tả cụ thể kích thước và các chi tiết khác của vùng đệm.

Israel-thiet-lap-vung-dem-o-Gaza.jpg
Xe tăng và xe ủi đất bọc thép lăn bánh dọc khu vực tiếp giáp giữa Israel và Gaza. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, theo một cựu quan chức Israel, một số đoạn trong vùng đệm có thể rộng 1 km. Tuy nhiên, kích thước của vùng đệm không hoàn toàn giống nhau từ bắc tới nam. Theo đó, kích thước vùng đệm thay đổi tùy thuộc vào địa hình và mật độ người dân sống gần khu vực đó.

Ngoài ra, ở một số khu vực, quân đội Israel dường như không dỡ bỏ tất cả công trình trong vùng đệm. Các quan chức Israel không cho biết những người vào vùng đệm sẽ bị xử lý ra sao.

Vùng đệm sẽ có lợi cho Israel?

Kế hoạch tạo vùng đệm được cho là giải pháp đảm bảo an toàn cho Israel. Tuy nhiên, nhiều người cũng lên tiếng quan ngại về kế hoạch này.

Các nhà phân tích cho rằng khu vực rộng hàng km có thể sẽ không ngăn cản được những vụ phóng rocket hoặc các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ bên trong Dải Gaza.

Kế hoạch này cũng là nguyên nhân khiến các quan chức Mỹ ngày càng thất vọng. Theo The Wall Street Journal, ngay từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra hồi tháng 10-2023, các quan chức Mỹ đã phản đối kế hoạch tương tự thế này.

Các quan chức Mỹ cảnh báo rằng việc biến khu vực giáp Israel thành vùng đất không người sẽ làm sâu sắc thêm nỗi lo sợ của người dân Gaza. Họ sẽ nghĩ rằng Israel có ý định chiếm toàn bộ hoặc một phần Dải Gaza. Ngoài ra, việc lập vùng đệm cũng khiến nỗ lực thuyết phục các nước Ả Rập chung tay tái thiết Gaza trở nên khó khăn hơn.

Trong ngày 23-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh quan điểm của Mỹ về tính toàn vẹn của Gaza.

“Chúng tôi đã nói rất rõ rằng chúng tôi phản đối việc buộc người dân phải di dời. Chúng tôi đã nói rất rõ về việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Gaza trên thực tế” – ông Blinken nói.

249a10b6be37deeca42211121f05e671b81ba83e.jpg
Một cuộc diễn tập quân sự gần khu vực tiếp giáp giữa Israel với Gaza. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, ông Shaul Arieli – cựu đại tá Israel và là chuyên gia về biên giới Israel – cho rằng việc tạo ra một vùng đệm vĩnh viễn bên trong Gaza có thể vi phạm luật pháp quốc tế, vì điều này cho thấy Israel sẽ nắm quyền kiểm soát vùng đất nằm ngoài phạm vi được công nhận của họ.

Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu và các quan chức khác của Israel cho biết Israel không có ý định chiếm đóng vĩnh viễn Gaza, nhưng tiết lộ nước này sẽ duy trì “kiểm soát an ninh” Gaza trong thời gian không xác định.

Theo The Wall Street Journal, ngoài thiết lập vùng đệm, việc “kiểm soát an ninh” của Israel có khả năng bao gồm tấn công các địa điểm nghi là của Hamas, ngay cả sau khi xung đột kết thúc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm