Thanh tra viên cấp cao Hồng Kông Bruce Hung cho biết những cảnh sát chìm đã sử dụng một ứng dụng điện thoại để gọi 5 chiếc taxi và tạm bắt giữ các tài xế sau khi đến nơi. Phí taxi của các cảnh sát được thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Ông cho biết các tài xế thiếu giấy phép thuê xe cần thiết hoặc bảo hiểm từ bên thứ ba.
Phát ngôn viên của Uber tại Bắc Á ông Harold Li cho biết Uber ủng hộ các “tài xế đối tác 100%” của họ và hoan nghênh cơ hội làm việc với chính quyền về việc “cập nhật những quy định để đảm bảo sự an toàn và lợi ích của tài xế và khách hàng lên hàng đầu”.
Ông Li trả lời email vào 12-8 rằng “Uber đảm bảo các khách hàng đều có bảo hiểm và tất vả tài xế cũng trải qua quá trình kiểm tra lí lịch kĩ càng”.
Một trong ba nhân viên Uber bị cảnh sát bắt trong một cuộc đột kích vào văn phòng Uber tại Hồng Kông (11/8/2015) (Nguồn: Channel News Asia)
Ngoài năm tài xế trên, cảnh sát cũng đã khám xét 2 văn phòng tại Hồng Kông vào 11-8, ít nhất một văn phòng thuộc về Uber. Sóng truyền hình Hồng Kông cho thấy cảnh sát đã lấy đi các tài liệu, máy tính và iPad. Ít nhất 3 nhân viên của Uber đã bị cảnh sát bắt đi.
Động thái chống lại Uber của phía cảnh sát được đẩy mạnh sau khi các tài xế taxi tổ chức một cuộc biểu tình phản đối những dịch vụ trực tuyến đang đe doạ kế sinh nhai của họ.
Uber cũng đang đối mặt những phản đối tương tự trên khắp thế giới, ngay cả ở Trung Quốc - nơi các công ty Mỹ đặt trụ sở đang mở rộng rất nhanh chóng.
Ông Li nói rằng: “Người Hồng Kông rõ ràng muốn có nhiều loại phương tiện giao thông tốt hơn trong thành phố và Uber cam kết sẽ đem đến cho họ sự lựa chọn an toàn, đáng tin cậy và chất lượng”.
Vào tháng Năm, chính quyền Trung Quốc đại lục đã đột kích vào văn phòng của Uber vì tình nghi “hoạt động không có giấy phép”.
Theo hãng nghiên cứu iResearch Trung Quốc, ứng dụng Uber ra mắt tại Trung Quốc tương đối muộn nhưng đã được định giá đến hơn 51 tỉ USD và có số lượng người sử dụng để gọi taxi khổng lồ, được dự đoán sẽ tăng gấp ba lên 45 triệu từ 2013 đến 2015.