Nạn nhân bạo lực học đường: 'Ám ảnh nhất là không ai bênh vực'

LTNTr (25 tuổi, ngụ TP.HCM) là một trong những nạn nhân của BLHĐ. Cô cho biết lúc bị bắt nạt là vào thời điểm học cấp hai, bản thân cô tự nhận mình khá khờ, chỉ chơi với vài học sinh (HS) trong lớp. Lúc ấy trong trường rộ lên nạn bạo hành nhiều, mấy HS nữ có chút quen biết với "dân anh chị" bắt đầu thể hiện bản thân và tự xưng "trùm trường" đi tuyên chiến với các HS nữ khác.

Sợ đến mức không dám đi học

Tr. bị nhóm HS cùng lớp ghét, hăm he đe dọa có lẽ vì cô khác biệt. Khi cô bị năm sáu nữ sinh vây vào đánh thì các nam sinh ở ngoài cổ vũ, la hét. Lần ấy, Tr. bị đánh đến trầy tay chân và đau đầu hai hôm nhưng không dám nói với ba mẹ, cũng không dám đến trường hai ngày sau đó.

“Lúc đó thật sự đáng sợ, ngày ngày tôi cứ đi một mạch vào lớp không dám ngó ngang ngó dọc. Tan học thì về thẳng nhà. Tôi đã bị đánh tới hai lần, thời điểm đó ai mà lên tiếng là cũng ăn đòn nên chuyện ai người nấy chịu, không ai dám bênh vực, cũng không dám thưa với thầy cô” – Tr. nhớ lại và kể rằng cô thực sự sợ hãi mỗi lần đến trường, sợ không biết có làm gì sai với ai không, sợ mỗi lần có người nhìn...

Lâu ngày Tr. bị thiếu tự tin trước đám đông, sợ giao tiếp và sợ ánh nhìn của người lạ. Vì lo sợ nên việc học tập của Tr. cũng sa sút, cô gần như bị trầm cảm một thời gian dài.

Vụ nữ sinh bị đánh bằng nón bảo hiểm ở quận 8 TP.HCM. Ảnh cắt từ clip

“Lúc đó tôi trốn học rất nhiều, cũng vài lần xin ba mẹ chuyển trường nhưng không dám nói lý do nên cuối cùng không được chấp thuận. Đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu mình đã làm gì sai để bị đánh như thế. BLHĐ nghĩ thì thấy trẻ con hơn thua nhau nhưng hậu quả mà nó mang lại thì không nhỏ. Người bắt nạt cho rằng bản thân có thể giải quyết mọi việc bằng bạo lực. Nạn nhân thì ám ảnh mãi về sau” – Tr. chia sẻ.

Ám ảnh lâu dài...

CTT (20 tuổi, ngụ Thái Bình) cũng từng là nạn nhân của BLHĐ. T kể mình bị bắt nạt chỉ vì cô thường được GV mang ra làm gương cho các bạn HS cá biệt. “Dù bị cả đám vây lại đánh nhưng tôi không khóc, tuy nhiên cái ám ảnh tôi nhất chính là một lớp 40 con người mà không một ai đứng ra bênh vực tôi. Hai đứa bạn thân của tôi thì vì khá nhát nên chỉ dám cùng đến nhà GV thưa chuyện” – T. nhớ lại những ký ức không mấy tươi đẹp.

Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Đồng Tháp. Ảnh cắt từ clip

T. còn kể thêm, khoảng thời gian ấy cô bị cô lập hoàn toàn với lớp, ngoài vài HS ngồi gần thì không ai muốn nói chuyện với cô. Ngày nào cô cũng cố gắng đi học thật muộn, canh lúc vừa vào lớp là đến giờ tự học để tránh không nói chuyện với ai. Về nhà T. không dám kể với gia đình vì sợ mọi người lo cho mình. Cô thậm chí không dám thi vào trường cấp ba yêu thích chỉ vì không muốn gặp lại các HS từng bắt nạt mình.

Sau hôm đó, những HS đánh T. bị cảnh cáo nhẹ và chỉ có vài người trong số họ xin lỗi cô. “Tôi đã rất khó khăn để vượt qua được khoảng thời gian đó. Dù không muốn nhớ lại nhưng mãi sau này nó vẫn ám ảnh tôi rất nhiều, đó là khoảng ký ức không muốn nhớ thời học sinh của tôi. Cho đến giờ tôi cũng không tham gia họp lớp mà chỉ giữ liên lạc với vài bạn cũ cấp hai” – T. tâm sự.

Cô còn nói: “Dù chuyện đã trôi qua rất lâu nhưng tới giờ khi nhắc lại tôi vẫn còn ám ảnh. Những kẻ đó đâu biết được người mà họ bắt nạt bị trầm cảm tới mức nào. Những người chứng kiến mà thờ ơ vô cảm, thậm chí hùa vào tẩy chay cũng đâu biết được chính họ đã góp phần tiếp tay cho kẻ xấu”.

Đừng vì sợ hãi mà chịu đựng một mình

BTPTh (23 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng từng bị bắt nạt và tẩy chay lúc còn học cấp hai. Cô cho biết lý do bị bắt nạt có lẽ vì cô được các giáo viên (GV) yêu mến còn bạn học cho rằng cô nịnh hót GV. Có một nữ sinh trong lớp tự xưng là con cháu giang hồ và rủ rê các HS khác tạo thành một “băng” hầu hết  là HS khó dạy, chuyên đi bắt nạt người khác.

Những HS này tự cho mình quyền bắt nạt, chặn đường, đe dọa, đánh đập hay thậm chí đốt cháy tóc người khác với các lý do vô cùng ngớ ngẩn. Có HS bị kêu gọi tẩy chay chỉ vì không cho họ sao chép bài thi. Cũng có HS chỉ đùa giỡn nhưng vô tình va trúng mắt HS kia nên bị đánh hội đồng đến mức co giật. Cũng có HS chỉ vì được một HS nam trong lớp thích nên bị bắt nạt và tẩy chay.

Th. từng bị những người mà mình không quen biết tát vào mặt mà không hiểu lý do. Người đứng đầu băng đó lại chính là bạn cùng lớp với cô. Họ kêu gọi tẩy chay, phá rối cô mỗi giờ ra chơi, thậm chí đe dọa và cấm cô kể chuyện này với gia đình, thầy cô. Các HS khác không dám đứng ra bênh vực Th. vì sợ cũng trở thành nạn nhân.

“Thời gian đó vì quá sợ hãi nên tôi đã trốn học gần một tuần, bố mẹ gặng hỏi tôi mới dám nói. Hôm sau bố mẹ tôi lên trường để báo với ban giám hiệu, các HS đó chỉ bị viết bản kiểm điểm. Sau đó họ lại chuyển sang đối tượng khác để bắt nạt. Tôi không biết họ muốn chứng tỏ điều gì ở bản thân nhưng những điều họ làm đã mang lại hậu quả khủng khiếp” – Th. tâm sự.

Nhớ lại khoảng thời gian từng là nạn nhân của những trò bắt nạt khủng khiếp ấy, Th. mong rằng những nạn nhân bị bắt nạt sẽ biết cách tự bảo vệ mình, nếu nghiêm trọng hãy mạnh dạn nhờ người lớn giúp đỡ, đừng vì sợ hãi mà giấu diếm để người xấu có cơ hội làm hại mình nhiều lần.

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An (Giám đốc TT ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay) cho biết, nói đến BLHĐ người ta thường thấy những tổn thương về thể chất nhiều hơn, còn tổn thương về tinh thần lại chưa có thước đo và mọi người chưa để ý nhiều.

"Vết thương về thể chất có thể được chữa lành nhưng vết thương về tinh thần nếu không được sẻ chia và tháo gỡ sẽ đi theo nạn nhân suốt cuộc đời. Nạn nhân BLHĐ sẽ cảm thấy tự ti và rụt rè hơn, luôn luôn lo sợ mình làm gì sai sẽ bị mọi người bắt nạt, tẩy chay. Về lâu dài nạn nhân sẽ trở nên khép mình vì đã bị ám ảnh tâm lý" - ông Hoà An chia sẻ.

Cũng theo ông, công tác phòng ngừa BLHĐ, công tác truyền thông như tổ chức các hoạt động để HS có cơ hội hiểu nhau nhiều hơn là rất quan trọng để hạn chế BLHĐ. Bên cạnh đó, nhà trường nên có cơ chế để bảo vệ HS khỏi vấn nạn BLHĐ và có những hướng dẫn cụ thể để các HS khi gặp tình huống BLHĐ sẽ biết cách ứng xử. Nạn nhân BLHĐ không nên im lặng mà nên gặp thầy cô, nói chuyện với ba mẹ để nhờ sự đồng hành và hỗ trợ. Người lớn nên lắng nghe chia sẻ của con trẻ, không nên phớt lờ, xem nhẹ.

"Đối với trường hợp những người xung quanh không đứng ra can thiệp, hỗ trợ mà còn quay phim, chụp hình, điều này rất nguy hiểm. Những thước phim đó nếu được lưu truyền theo năm tháng sẽ gây nên nhiều nỗi ám ảnh cho nạn nhân" - ông Hoà An quan ngại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm