“Sau 10 năm sử dụng, đại lộ Võ Văn Kiệt đã có dấu hiệu xuống cấp ở một số nơi thuộc đoạn từ cầu Lò Gốm đến giao lộ Ký Con. Cụ thể, mặt đường nứt mạng nhện, nứt chân chim, lồi lõm, trồi lún nhựa. Ngoài ra, các nút giao ngã tư trên đoạn này đã lún vệt hằn bánh xe. Tình trạng ngập cục bộ được ghi nhận tại điểm giao với đường Ký Con, khu vực cầu Ông Lãnh. Một số đoạn cao độ mép đường thấp hơn mức triều cao nhất cũng gây ra tình trạng ngập úng”. Ngày 6-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (đơn vị thực hiện dự án sửa chữa đại lộ Võ Văn Kiệt), thông tin như trên.
Đường hỏng sau 10 năm sử dụng
Ghi nhận thực tế ngày 6-11, khu vực đường từ Hồ Hảo Hớn về cầu Nguyễn Văn Cừ (hướng từ quận 1 đến quận 5), làn ô tô theo hướng này đang được phân đôi, một bên đơn vị thi công đã trải đá dăm để nâng đường. Việc bó vỉa hè phía gần kênh Tàu Hủ-Bến Nghé cũng đang được tháo dỡ để nâng cấp.
Bà Loan (chủ quán cà phê 329 trên đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1) cho biết đoạn đường này thường bị ngập khi mưa kết hợp với triều cường. “Tuy không phải ngập nặng nhưng cũng rất bất tiện. Tôi cũng thấy mừng khi cơ quan chức năng đang sửa chữa đường này, nghe nói họ nâng cao đường thì sẽ bớt ngập” - bà Loan nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phạm Văn Hùng (Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ phía Nam, Bộ GTVT) cho rằng đại lộ Võ Văn Kiệt được xây dựng trên nền đất yếu của TP nên mới xảy ra hiện tượng hư hỏng như trên, nhất là về vấn đề cao độ mặt đường. “Đây được xem là “bệnh” của tuyến đường này khi ngành giao thông liên tục phải xử lý cao độ mặt đường. Mặt khác, đại lộ này là tuyến huyết mạch nên lưu lượng xe cũng tăng cao qua thời gian. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây hư hỏng” - ông Hùng phân tích.
Đại lộ Võ Văn Kiệt đang được sửa chữa, nâng cấp đoạn từ cầu Lò Gốm đến giao lộ Ký Con. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Bên cạnh đó, theo ông Hùng, tuổi thọ một công trình đường có thể phân làm ba loại: 8-12 năm, 12-15 năm, trên 15 năm. Vì vậy, sau 10 năm đường đại lộ từng được xem là đẹp nhất TP.HCM phải nâng cấp, sửa chữa cũng là vấn đề có thể hiểu được.
Nhận định về vấn đề trên, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TP.HCM, nêu quan điểm: “Để đánh giá về tình hình đường Võ Văn Kiệt thì cần phải thực nghiệm, kiểm tra trực tiếp, đồng thời có nghiên cứu cụ thể để biết chính xác chất lượng con đường như thế nào”.
Sẽ sửa chữa cuốn chiếu
Theo bà Hữu Tâm, trung tâm sẽ thực hiện dự án sửa chữa, nâng cao độ mặt đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ cầu Lò Gốm đến giao lộ Ký Con để khắc phục tình trạng xuống cấp trên. Đây chỉ là dự án sửa chữa, nâng cao độ các vị trí sụt lún, hư hỏng cục bộ chứ không phải toàn tuyến.
Qua đó, bà Hữu Tâm cho rằng mục tiêu của dự án này là đảm bảo an toàn giao thông, giảm ngập, tăng mỹ quan đô thị, khắc phục hiện tượng các chỗ bị hư hỏng, tạo sự thuận lợi cho các phương tiện giao thông, tăng khả năng thông hành và tuổi thọ công trình.
Dự án sửa chữa, nâng cao độ mặt đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ cầu Lò Gốm đến giao lộ Ký Con dài gần 8,5 km, đi qua các quận 1, 5, 6; có tổng mức đầu tư gần 56,5 tỉ đồng. Trong đó chi phí xây dựng là gần 43,5 tỉ đồng, nguồn vốn này được lấy từ ngân sách TP. |
Về cách thức thực hiện, đại diện Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết sẽ cào, bóc, thảm lại 19 đoạn tại các vị trí nút giao mặt đường lún hằn vệt bánh xe. Còn các đoạn tại nơi mặt đường trồi lún nhựa sẽ thực hiện nâng cao độ mặt đường (năm đoạn) lên 30 cm. Bên cạnh đó, mở rộng đường cho xe máy dưới chân cầu Chà Và, nâng cao bó vỉa các bồn cây xanh, vỉa hè.
Về phương án đảm bảo giao thông, đơn vị này cho hay trong thời gian thực hiện sửa chữa, việc thi công sẽ được chia thành nhiều mũi, thi công cuốn chiếu để nhanh chóng hoàn thiện. Tại vị trí sửa chữa, nâng cấp sẽ trang bị hệ thống rào chắn, biển báo, lực lượng điều tiết giao thông được triển khai để tránh ùn tắc.
Về vấn đề tuổi thọ tuyến đường sau khi được sửa chữa, bà Hữu Tâm cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tăng lưu lượng xe; tình trạng chấp hành tải trọng của các phương tiện tham gia lưu thông; sự ảnh hưởng của nhiệt độ cao kết hợp mật độ xe tải nặng lưu thông nhiều.
Đại lộ Đông-Tây có chiều dài 22 km, đi qua tám quận/huyện gồm quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Điểm đầu giao với quốc lộ 1A tại huyện Bình Chánh, điểm cuối nối với xa lộ Hà Nội. Tổng vốn đầu tư được công bố là gần 10.000 tỉ đồng (khi khởi công). Hạng mục quan trọng nhất của đại lộ Đông-Tây là hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Hiện 13 km của đại lộ Đông-Tây từ cầu Calmette (quận 1) đến nút giao quốc lộ 1A đã được đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt. Trước đó, hồi tháng 4-2018, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cũng đã thực hiện nâng cấp đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn từ nút giao Tân Kiên đến cầu Lò Gốm (dài 4 km, qua địa bàn quận Bình Tân, quận 8). Cụ thể, nâng cao độ mặt đường lên 30 cm ở một số nơi và cải tạo hầm ga, mương thu nước. |