Nâng cấp tuyến luồng, cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu tự tin đón tàu lớn nhất thế giới

(PLO)- Sau khi hoàn thành nâng cấp, tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải sẽ cho phép tàu 160.000 DWT đến 200.000 DWT ra/vào hoạt động an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-2, tại khu vực bến cảng cảng Quốc tế Gemalink thuộc cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Bộ GTVT cùng UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp tổ chức lễ triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép- Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng Container Cái Mép.

Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT; các đơn vị trực thuộc bộ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM và Đồng Nai.

Một góc tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải. Ảnh:KN

Một góc tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải. Ảnh:KN

Cái Mép- Thị Vải được quy hoạch là khu cảng trung chuyển quốc tế

Sau khi hoàn thành tuyến luồng sẽ cho phép tàu 160.000 DWT đến 200.000 DWT hoạt động an toàn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong khu vực; đồng thời tạo động lực thúc đẩy tiến trình đầu tư các dự án trong khu vực, tăng cường năng lực vận tải thủy của toàn tuyến luồng ra vào khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải.

Tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Khánh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, cảng biển Bà Rịa- Vũng Tàu với cụm cảng Cái Mép- Thị Vải được quy hoạch trở thành khu cảng trung chuyển quốc tế.

Dự án được Bộ GTVT phê duyệt tháng 8-2022. Ban Quản lý dự án Hàng hải (Bộ GTVT) là đơn vị được giao quản lý dự án. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 với tổng mức đầu tư là hơn 1.414 tỉ đồng. Thời gian thi công từ tháng 2-2023 và dự kiến hoàn thành năm 2025.

Sự đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép- Thị Vải lần này giúp khẳng định vị trí và tầm quan trọng của cụm cảng trên trường quốc tế.

Tỉnh mong muốn Bộ GTVT tiếp tục đồng hành, sớm triển khai đầu tư nâng cấp toàn bộ tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải theo quy hoạch; tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tích cực, thu hút được nhiều nguồn hàng và nhiều chuyến tàu cập cảng hơn nữa.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại buổi lễ. Ảnh:ĐT

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu tại buổi lễ. Ảnh:ĐT

Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết phối hợp thực hiện dự án theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra; đồng thời không ngừng đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyết tâm phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước, có tầm cỡ khu vực Châu Á và thế giới theo đúng chủ trương Bộ Chính trị, Chính phủ đã đề ra.

Tàu container có chiều dài 366 m cập bến cảng Quốc tế Gemalink (cụm cảng Cái Mép-Thị Vải). Ảnh:KN

Tàu container có chiều dài 366 m cập bến cảng Quốc tế Gemalink (cụm cảng Cái Mép-Thị Vải). Ảnh:KN

Ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ Trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh đây là một cột mốc rất đáng nhớ, dự án có tầm quan trọng đặc biệt.

Đây là dự án lớn nhất của ngành hàng hải trong năm 2023, dự án lớn nhất trong kỳ đầu tư trung hạn 2021-2025 và cũng đầu tư vào khu vực cảng biển, tuyến luồng lớn nhất cả nước nhằm mục tiêu đón được các tàu lớn nhất thế giới; đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế tại khu vực quan trọng nhất.

Các đại biểu tham dự lễ bấm nút triển khai thi công dự án. Ảnh: TK

Các đại biểu tham dự lễ bấm nút triển khai thi công dự án. Ảnh: TK

Cho phép tàu 160.000 DWT đến 200.000 DWT ra vàoTuyến luồng Cái Mép-Thị Vải là tuyến luồng lớn nhất, đón được các tàu lớn nhất ra/vào Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2013 khi bắt đầu huy động nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển tuyến thì cũng chỉ thiết kế cho tàu khoảng 80.000 DWT.

Bộ GTVT cũng đã có chủ trương cho các doanh nghiệp, cơ quan chức năng nghiên cứu, áp dụng các giải pháp đưa các tàu lớn hơn thiết kế nhưng giảm tải ra vào tuyến luồng.

Theo ông Sang, đây là chủ trương đúng đắn, kết quả khả quan. Thực tế cho thấy đã đón được các tàu hơn 200.000 DWT giảm tải ra vào. Tuy nhiên, đây vẫn là giảm tải.

Nhu cầu tăng mớn nước, đón được các tàu lớn hơn là hết sức cấp thiết. Do vậy Bộ GTVT đề nghị, Quốc hội đã xem xét, phê duyệt, Chính phủ cũng đưa dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 các dự án phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải. Cụ thể dự án này tăng mớn nước đến độ sâu -15.5m, đón được các tàu từ khoảng 150.000 DWT-200.000 DWT giảm tải hoạt động an toàn.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT tặng quà cho cán bộ, nhân viên cảng Gemalink và các đơn vị thi công. Ảnh: TK

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT tặng quà cho cán bộ, nhân viên cảng Gemalink và các đơn vị thi công. Ảnh: TK

Nhằm đảm bảo dự án thi công đúng tiến độ, chất lượng, ông Sang đề nghị chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, huy động đầy đủ các phương tiện máy móc, kỹ thuật.

Ông Sang cũng yêu cầu Ban quản lý dự án hàng hải sớm hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công đoạn phía trong của luồng Cái Mép-Thị Vải, đảm bảo khai thác đồng bộ toàn tuyến từ Phao số “0” đến cảng Phước An trong thời gian sớm nhất...

Phạm vi dự án gồm cải tạo mở rộng luồng tàu đoạn luồng từ phao số “0” đến cảng CMIT, chiều dài nâng cấp 30,5 km; bề rộng đáy luồng 350 m; độ sâu -15,5 m; Thiết lập vũng quay tàu tại ngã ba sông Thêu (hạ lưu cảng SSIT) đường kính 700 m và tại ngã ba sông Gò Gia đường kính 600 m, độ sâu -15,5 m.

Ngoài ra, cải tạo mở rộng luồng tàu đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng CMIT đến thượng lưu bến cảng Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) với chiều dài nâng cấp 3,2 km, độ sâu -14,0 m. Cải tạo mở rộng luồng tàu đoạn luồng từ Tân cảng Cái Mép TCIT và TCCT đến cảng Phước An cho tàu đến 60.000 DWT đầy tải khai thác một chiều, chiều dài 5,7km.

Bên cạnh đó là điều chỉnh, thiết lập các vùng nước; Cải tạo nâng cấp báo hiệu hàng hải; Cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết bị hàng hải; Xây dựng hải đồ khu vực phân luồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm