Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, cùng với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) có vai trò vị trí đặc biệt, là các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế. Để cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải phát triển hết tiềm năng, thế mạnh đúng như kỳ vọng và định hướng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các bộ, ngành và trung ương đã và đang có những bước đi cụ thể, tạo nền móng vững chắc.
Một góc đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: TRÙNG KHÁNH
Trung tâm trung chuyển quốc tế như Singapore, Hong Kong...
Tại hội thảo khoa học “Tư duy, mô hình phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, chia sẻ cụm cảng nước sâu của Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp nhận hàng hóa tăng trưởng rất cao, sản lượng thông qua cảng biển tại đây đã gần xấp xỉ TP.HCM; đã đón những tàu có trọng tải trên 200.000 tấn (20.000 TEU container). Nơi đây sẽ trở thành cảng trung chuyển của khu vực và quốc tế, chia sẻ lượng hàng hóa với Singapore, Hong Kong, Thượng Hải.
Cũng theo Thượng tá Bùi Văn Quỳ, năm 2009, Bà Rịa-Vũng Tàu có cảng nước sâu đầu tiên. Khi đó chưa ai hình dung được sự phát triển rất nhanh của ngành hàng hải quốc tế. Do vậy, cơ sở hạ tầng cảng, giao thông kết nối vào khu vực cảng biển chưa theo kịp. Hiện chỉ có tuyến quốc lộ 51 nhưng đã trở nên quá tải. Khoảng 80% lượng hàng hóa phải chuyển bằng đường thủy đi các tỉnh nên việc sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với Cái Mép - Thị Vải rất quan trọng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển Portcoast, trao đổi thêm: Cái Mép - Thị Vải hiện là một trong 21 cảng của thế giới tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới, gần 200.000 tấn. Tương lai cụm cảng sẽ đón tàu trọng tải đến 250.000 tấn.
Năm 2020, nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng khối lượng hàng container thông qua cảng này vẫn tăng. Hằng tuần có khoảng 31 tuyến vận tải container cố định trực tiếp đến các thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam (20 tuyến đi Mỹ, hai tuyến đi châu Âu, chín tuyến nội Á và Trung Đông…).
“Cụm cảng còn khu vực có dư địa để phát triển là Cái Mép Hạ. Cần tạo ra các tuyến bến dài để tiếp nhận đồng thời nhiều tàu mẹ; phát triển các khu công nghiệp (KCN) tại khu vực cảng tạo nguồn hàng ban đầu; thêm các trung tâm dịch vụ logistics, depot, kho bãi; bố trí thêm bến cho tàu chuyển tải container; “biến” thị xã Phú Mỹ hay TP Vũng Tàu thành trung tâm kết nối cho các hãng tàu, chủ hàng toàn cầu… Để làm được những điều này, cần phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng và liên vùng với Cái Mép - Thị Vải” - ông Tuấn nói.
Triển khai đồng bộ nhiều dự án hạ tầng giao thông
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để triển khai đầu tư các dự án, gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường vành đai 4. Đây là các dự án sẽ giảm tải cho quốc lộ 51, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Long Thành về TP.HCM và các địa phương khác. Từ đó phát huy, khai thác hết lợi thế, tiềm năng của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Cảng Gemalink thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: TRÙNG KHÁNH
Đến nay, ba dự án đã được bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; triển khai quyết liệt từ 2022-2026. Trong đó, Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện hai dự án là đường vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh và cầu Phước An. Với dự án cầu Phước An, dự kiến khởi công xây dựng từ quý III-2022. Mới đây, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản gửi tỉnh Đồng Nai để thống nhất, đề nghị hỗ trợ một số nội dung khi thi công…
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định các dự án trên có tính bứt phá để kết nối giao thông liên vùng. Song song đó, tỉnh cũng đầu tư tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, 991B, Phước Hòa - Cái Mép… kết nối các cảng, KCN vào hệ thống giao thông chung; nhiều đường đô thị, liên huyện cũng được đầu tư, triển khai xây dựng đồng bộ với các dự án giao thông liên vùng.
“Điều này giúp đảm bảo giao thông thông suốt, kết nối và phát huy, khai thác hết thế mạnh, tiềm năng của các địa phương của tỉnh trong tương lai, gắn kết với các địa phương khác của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” - ông Vinh cho biết.
Theo ông Vinh, tỉnh cũng đang cùng các bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt kết nối từ các KCN, cảng của tỉnh tới các tỉnh, tạo lợi thế trong vận chuyển hàng hóa. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang tiến hành lập quy hoạch tỉnh, trong đó có quy hoạch sử dụng đất để cập nhật đồng bộ các quy hoạch, dự án trên. Điều này giúp khi triển khai dự án sẽ hạn chế được nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu tư, thủ tục đất đai.
Khối lượng hàng container thông qua cảng đạt 7,5 triệu TEU Trước đây, hàng hóa chủ yếu qua cảng Sài Gòn thì hiện nay tỉ lệ 60% qua cảng Sài Gòn và 40% qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Năm 2020, khối lượng hàng container thông qua cảng biển Cái Mép - Thị Vải đạt 7,5 triệu TEU. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 113 triệu tấn, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. TS PHẠM HOÀI CHUNG, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT |