Nắng nóng sớm, hóa đơn tiền điện có thể tăng cao

(PLO)- Những năm gần đây tình hình nắng nóng ngày càng phức tạp, nhất là ở các tỉnh miền Nam đã dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng, gây nên tình trạng quá tải, hóa đơn tiền điện tăng cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-3, Báo Tuổi trẻ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Tọa đàm "Cảnh báo sử dụng điện mùa nắng nóng".

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao

Ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết những năm gần đây tình hình nắng nóng ngày càng phức tạp, nhất là ở các tỉnh miền Nam, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng, hoá đơn điện tăng cao.

"Vì vậy, qua tọa đàm hôm nay chúng tôi mong rằng các đơn vị sẽ có những giải pháp để hướng dẫn các giải pháp tiết kiệm điện" - ông Toàn nói.

đảm bảo cung cấp điện
Nhu cầu sử dụng điện tăng cao, EVN đã tập trung nguồn lực cao nhất để đảm bảo cung cấp điện. Ảnh: EVNSPC

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết miền Nam đã bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, điện thương phẩm tăng 14,5%. Như vậy, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng.

Hiện hệ thống điện quốc gia có 3 nhóm nguồn năng lượng chính là thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo. EVN đang tập trung huy động lớn nguồn nhiệt điện để đảm bảo điện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.

Theo đó, ngay vào đầu mùa khô, EVN đã huy động ngay nguồn điện đắt tiền là nhiệt điện, ước tính tăng trưởng khoảng 145% so với năm 2023. Tiếp theo, EVN sẽ huy động tối đa nguồn năng lượng tái tạo. Tương tự, điện gió, điện mặt trời sẽ huy động cao hơn so với năm 2023.

Áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm điện

Ông Bùi Quốc Hoan, Phó Tổng giám đốc công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), cho biết theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, năm nay có khả năng xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô.

Cao điểm mùa khô diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5-2024 nhưng nắng nóng lại xuất hiện khá sớm từ cuối tháng 1 và có khả năng kết thúc muộn.

sử dụng điện mùa nắng nóng
Tọa đàm Cảnh báo sử dụng điện mùa nắng nóng. Ảnh: ĐÀO TRANG

Số liệu thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, ước sản lượng điện nhận trên toàn hệ thống của EVNSPC là 18,96 tỉ kWh, tăng 12,87% so cùng kỳ năm 2023.

Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện trong các tháng mùa khô 2024, EVNSPC đang khẩn trương triển khai phương án đảm bảo cấp điện, vận hành an toàn hệ thống cũng như tăng cường thực hiện các giải pháp tuyên truyền tiết kiệm điện đến tất cả đối tượng khách hàng sử dụng điện.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng dự báo tiền điện tháng 3 sẽ tăng cao so với những tháng trước đó. Vì vậy, Điện lực TP.HCM khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm điện, hiệu quả.

Góp ý tại tọa đàm, TS Nguyễn Công Tráng, Giảng viên Khoa Điện - Điện tử Đại học Tôn Đức Thắng, lưu ý mùa nắng nóng, các thiết bị làm mát được gia tăng cả về số lượng, thời gian sử dụng.

Trong đó, hệ thống máy lạnh chiếm hơn 60% tiền điện mà các hộ gia đình chi trả. Vì vậy, để tiết kiệm điện, người dân nên chọn máy lạnh phù hợp với công suất sử dụng cho hợp lý. Bên cạnh đó, cần chọn các máy lạnh tiết kiệm điện, lắp đặt đúng kỹ thuật sẽ giúp tiết kiệm điện.

"Khách hàng nên cài nhiệt độ từ 26 độ trở lên, tránh cài nền nhiệt quá thấp gây tiêu hao điện quá lớn. Trường hợp không sử dụng máy lạnh nữa nên tắt nguồn điện máy lạnh" - TS Tráng nói.

Tích đủ nước để sử dụng cho mùa khô

Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho hay: "Hiện các hồ thủy điện đều suy giảm, lưu lượng nước về thấp hơn so với năm 2023 nhưng chúng tôi đã để "dành" nguồn nước này để đảm bảo cung cấp năng lượng cho hệ thống điện quốc gia".

Đối với các Nhà máy nhiệt điện, Tập đoàn cũng đã chỉ đạo các đơn vị duy trì, đảm bảo cung cấp điện, phục vụ khách hàng trong mùa nắng nóng.

Đối với hệ thống truyền tải điện, luôn kiểm tra thường xuyên, từ Nam ra Bắc, đảm bảo cung ứng điện quốc gia trong thời gian tới

"Chúng tôi nỗ lực tối đa để đảm bảo điện cho toàn quốc, đặc biệt là miền Bắc"- ông Trung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm