NATO củng cố sườn phía đông

Ngày 9-7, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw (Ba Lan) bước sang ngày làm việc thứ hai. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều nước NATO, đặc biệt là một số nước Đông Âu, lo ngại mối đe dọa từ Nga.

Quân đội Afghanistan phải đảm trách an ninh

AP đưa tin trong ngày làm việc thứ hai với sự có mặt của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, Tổng thống Obama đã tập trung nói đến công cuộc đấu tranh chống các tổ chức cực đoan ở Afghanistan và Trung Đông.

Ông kêu gọi các nước NATO mở rộng ủng hộ cuộc chiến chống Taliban tại Afghanistan. Vài ngày trước, ông đã tuyên bố duy trì 8.400 quân Mỹ ở Afghanistan thay vì giảm còn 5.500 quân như dự kiến ban đầu.

Theo trang web của NATO, hội nghị thượng đỉnh NATO đã thảo luận về tình hình an ninh và tiến trình cải cách ở Afghanistan. Hội nghị khẳng định tiếp tục duy trì cam kết về chính trị, quân sự và tài chính đối với Afghanistan, bảo đảm an ninh lâu dài và ổn định tại Afghanistan.

Hội nghị cũng đề nghị nâng cao năng lực của quân đội và cảnh sát Afghanistan. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Từ nay về sau các lực lượng an ninh Afghanistan phải chịu trách nhiệm về an ninh trên toàn lãnh thổ… Chúng tôi tiếp tục huấn luyện, làm cố vấn và hỗ trợ”.

Ông nhấn mạnh ba quyết định chính: Tiếp tục ủng hộ lực lượng NATO tại Afghanistan sau năm 2016, tiếp tục đầu tư tài chính cho quân đội Afghanistan đến năm 2020, ủng hộ đối tác chính trị lâu dài và thực tiễn với Afghanistan. Quân đội Afghanistan với quân số 352.000 người cần khoản chi hằng năm 5 tỉ USD.

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Ba Lan dưới góc nhìn của ALEXANDR ZUDIN ở Nga.

Điều bốn tiểu đoàn sang Đông Âu

Trong ngày đầu tiên của hội nghị, 28 nước thành viên NATO đã thông qua quyết định triển khai bốn tiểu đoàn đa quốc gia gồm 3.000-4.000 binh sĩ đến Đông Âu, cụ thể là đến Ba Lan và ba nước vùng Baltic (Litva, Latvia và Estonia). Các nước này đều duy trì đường lối cứng rắn đối với Nga.

Các nước thành viên khác của NATO sẽ giữ vai trò yểm trợ về hậu cần. Thời hạn triển khai trong bao lâu chưa được xác định.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định: “Chúng tôi đã quyết định củng cố sự hiện diện quân sự ở phía đông NATO. Tôi vui mừng thông báo Canada sẽ giữ vai trò quốc gia nòng cốt ở Latvia, Đức chỉ huy tiểu đoàn ở Litva, Anh chỉ huy tiểu đoàn ở Estonia và Mỹ là quốc gia chủ chốt chỉ huy ở Ba Lan”.

Ngoài ra, NATO đã thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Hệ thống này được bố trí ở Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Tây Ban Nha. Ông Jens Stoltenberg thông báo hiện thời hệ thống phòng thủ tên lửa đã có khả năng hoạt động dưới một bộ phận chỉ huy và một bộ phận kiểm soát của NATO.

NATO cũng đã tiếp tục cam kết tăng ngân sách quốc phòng tương đương 2% GDP. Hiện thời chỉ có 5/28 nước trong NATO đạt được mục tiêu này.

Nga tỏ ra không quá lo ngại

Tổng thống Obama thông báo triển khai 1.000 quân đến Ba Lan. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết bốn tiểu đoàn sắp triển khai từ đầu năm tới là hoạt động chuyển quân lớn nhất của NATO từ sau Chiến tranh lạnh.

Ngày 9-7, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố chi tiết kế hoạch đưa quân tham gia chương trình của NATO. Đây là lần điều quân lớn nhất của Canada ở châu Âu trong hơn 10 năm qua.

450 binh sĩ Canada và xe bọc thép hạng nhẹ sẽ được triển khai đến Latvia từ đầu năm tới. Ngoài ra, quân đội Canada còn triển khai một tàu hộ vệ, sáu máy bay tiêm kích CF‑18 tham gia lực lượng tác chiến của NATO trong khu vực.

Thủ tướng Anh David Cameron thông báo Anh sẽ triển khai 500 quân đến Estonia và 150 quân đến Ba Lan.

Thủ tướng Estonia Taavi Roivas đánh giá quyết định triển khai bốn tiểu đoàn của NATO: “Đây là một quyết định lịch sử. NATO đã chứng tỏ rất rõ ràng rằng chúng ta đoàn kết và kiên quyết”.

Nga-NATO và vị thế cần nhau

Các chuyên gia Nga đánh giá bản thân các tiểu đoàn của NATO triển khai ở Đông Âu không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Nga. Dù vậy, khi triển khai như thế, NATO sẽ thiết lập một mạng lưới cơ sở hạ tầng để có thể trong vòng 24 tiếng triển khai nhiều sư đoàn áp sát biên giới Nga.

Tối 8-7, Nga trở thành chủ đề trung tâm trong bữa ăn tối của các nhà lãnh đạo các nước NATO. Chính sách của NATO đối với Nga có thể tóm tắt gồm ba điểm: Các nước đoàn kết, kiên quyết bảo vệ các giá trị và tái lập đối thoại với Nga.

Các nước NATO nhắc đến hành động của Nga ở ba nước cộng hòa Liên Xô cũ Ukraine, Georgia và Moldova mà NATO xem là hành động đe dọa. NATO cho rằng ba nước này đang ngả về phía phương Tây và Moscow không thích điều đó.

Dù vậy, Mỹ và châu Âu đều cần thảo luận với Nga cho dù ban bố lệnh cấm vận đối với Nga. Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders nhận xét: “Chúng ta cần phải giữ đối thoại công khai với Nga vì chúng ta còn phải chiến đấu ở Syria, Iraq và nhiều hồ sơ nữa trên khắp thế giới”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande luôn duy trì trao đổi với Tổng thống Nga Putin về thực thi Hiệp ước Minsk về hòa bình ở Ukraine.

EU và NATO nhất trí sẽ tăng cường hợp tác ở sườn phía nam để chống khủng bố và bọn đưa người vượt biển, đặc biệt về trao đổi thông tin tình báo. NATO phải dựa vào lực lượng máy bay không người lái của EU ở Sicily (Ý) cùng với tin tình báo từ hoạt động hải quân EU trong công tác chống đưa người vượt biển và buôn vũ khí qua Địa Trung Hải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm