Đức sai lầm khi tăng cường quân đến Baltic
Hôm 11-6, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã chỉ trích ý định của chính quyền bà Merkel khi tăng số lượng các tiểu đoàn binh lính hiện diện ở các nước Baltic, trong khuôn khổ kế hoạch của NATO.
Theo RT, tại sự kiện của Phòng Thương mại Đức diễn ra tại Áo, ông Schroeder cho rằng việc Đức tăng cường triển khai quân ở phía biên giới Nga theo kế hoạch của NATO ngay trước ngày kỷ niệm Đức quốc xã tấn công vào Liên Xô diễn ra ngày 22-6 tới sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.
NATO tổ chức tập trận Anaconda 2016 kéo dài 10 ngày với sự tham gia của 31.000 quân. Ảnh: Reuters
Trước đó, nguồn tin của NATO cho biết khối này đang xem xét khả năng bố trí các tiểu đoàn quốc tế tại ba nước Baltic và Ba Lan. Quyết định cuối cùng về số lượng và địa điểm triển khai sẽ được thực hiện tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh tại Warsaw vào ngày 8-9.
Ngoài việc triển khai quân, khối liên minh gồm 28 thành viên châu Âu này cũng đang huấn luyện hàng ngàn quân với rất nhiều cuộc tập trận được tổ chức gần biên giới Nga.
Cựu Thủ tướng Đức đã kêu gọi cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của châu Âu đối với Nga. Theo ông, thay vì tăng cường hiện diện quân để đối trọng Nga ở Đông Âu và ở vùng Baltics, Berlin nên cố gắng hết sức để cải thiện quan hệ với Moscow.
Ông Schroede cũng cho biết theo ý ông, duy trì các biện pháp trừng phạt chống Nga là cách tiếp cận sai lầm. Moscow là một đối tác rất quan trọng đối với EU. Tuy khác nhau về tính chất nhưng "cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga rất cần cho châu Âu trong chính sách an ninh" - ông Schroeder nói.
NATO sai lầm khi xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu
Theo Sputnik, trong một bài viết trên tờ Die Zeit của Đức, bình luận viên - nhà báo người Đức Jochen Bittner cảnh báo rằng Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang mắc phải một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử của mình, nếu thực hiện đến cùng kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Ông nói tiếp, bằng hành động này, liên minh đang tạo ra nhiều đe dọa cho châu Âu hơn là giữ gìn an ninh cho khối. Trước đó, gần đây có thông tin cho rằng NATO sẽ khởi động hai lá chắn tên lửa phòng thủ trên đất liền đầu tiên ở Romania, và tiếp sau sẽ là ở Ba Lan dự kiến vào năm 2018.
Lễ khánh thành trạm khởi động lá chắn tên lửa của Mỹ ở căn cứ Deveselu, Romania ngày 12-5-2016. Ảnh: AFP
Ông Bittner cho rằng mặc dù phương Tây tuyên bố rằng hệ thống tên lửa phòng thủ trên sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng cho Nga và các quốc gia như Triều Tiên hay Iran, nhưng triển khai hệ thống này sẽ tạo điều kiện để Nga chấm dứt mọi nổ lực liên quan tới giải trừ quân bị vốn được thương thảo trong hàng thập kỷ qua.
Ông Bitter cũng đặc biệt nhấn mạnh tới số phận của Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) được hai nước Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1987, đang bị đe dọa bởi hành động này của NATO.
"NATO đang lo ngại rằng Nga có thể đơn phương rút khỏi hiệp định lịch sử, thế nhưng tại sao họ vẫn xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm vào Nga. Sẽ tốt hơn nhiều nếu NATO đóng băng việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, tại sao lại không làm?" - nhà báo Đức đặt câu hỏi.
Tác giả chỉ ra rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của liên minh quân sự này không đủ trình độ kỹ thuật để đánh chặn các tên lửa đạn đạo siêu hạng của Nga hiện nay. Còn khả năng Iran hay Triều Tiên tấn công tên lửa đạn đạo vào châu Âu là điều rất khó xảy ra.
"Nói cách khác, NATO đang đứng trước rủi ro tối thiểu từ đòn tấn công hủy diệt gây ra bởi Iran và Triều Tiên, nhưng khối này lại có những hành động đặt bản thân mình đứng trước nguy cơ lớn nhất là Nga sẽ tăng cường khả năng hạt nhân nhằm vào châu Âu" - tác giả nhấn mạnh.
Nhà bình luận người Đức kết luận rằng, rõ ràng là Hiệp ước INF mới là sự đảm bảo an ninh tuyệt đối cho châu Âu, so với sự an toàn từ hai cơ sở phòng thủ tên lửa có tính năng đáng ngờ. Do đó, nếu NATO cứ cương quyết duy trì và xây dựng hai lá chắn tên lửa ở Romania và Ba Lan là sai lầm nghiêm trọng nhất.
NATO phải đối thoại với Nga
Theo Daily Star, trong bối cảnh này, cựu quan chức quân sự cấp cao NATO, ông Philip Breedlove đã lên tiếng đề nghị khối đồng minh quân sự này cần nối lại đối thoại với Nga.
“Chúng ta, dù bằng cách nào đó, phải bắt tay thiết lập những kênh truyền thông chất lượng với Nga. Nếu chúng ta thụ động, chúng ta sẽ gặp thất bại và điều này sẽ nảy sinh nhiều khó khăn hơn nữa” – ông Breedlove nói.
Quan chức cấp cao NATO đề nghị khối liên minh này cần nối lại đối thoại với Nga. Ảnh: AP
Ông nói rằng việc thiết lập đường dây liên lạc với Nga ban đầu có thể gặp khó khăn và gây thất vọng nhưng ông không nghĩ NATO có nhiều lựa chọn trong vấn đề này.
Cựu quan chức cấp cao NATO còn cho rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới được đánh giá là một cơ hội cho Mỹ thực hiện thêm nhiều cuộc đối thoại mở, cải thiện quan hệ với Nga.
Trước đó, ông Chuck Hagel- cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - cũng đã đưa ra đề xuất tương tự hôm 10-5. Ông nói rằng vị tổng thống kế tiếp của nước Mỹ nên ưu tiên tiến hành các cuộc đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin.