NATO thêm lo lắng vì áp lực của ông Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Brussels (Bỉ) ngày 25-5 đã có cuộc gặp đầu tiên với các đồng minh NATO, Liên minh châu Âu (EU) trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Đón ông Trump tại Bỉ không chỉ là thảm đỏ và các lãnh đạo NATO, EU mà cả người biểu tình phản đối. An ninh Brussels được thắt chặt sau vụ đánh bom đêm nhạc ở sân vận động Manchester (Anh) tối 22-5 làm 22 người chết.

Không ngoài dự đoán, các chủ đề chính ông Trump nêu ra tại hội nghị NATO là về đóng góp tài chính, trách nhiệm chống khủng bố của khối và Nga.

Cứng rắn về Nga

Điều ngạc nhiên nhất tại hội nghị NATO lần này là thái độ cứng rắn với Nga của ông Trump. Sau khi đề cập đến hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, ông Trump cho rằng NATO trong tương lai bên cạnh nhiệm vụ giải quyết các thách thức khủng bố, nhập cư thì cần phải chú ý các mối đe dọa từ Nga, bảo vệ an ninh biên giới NATO ở phía Đông và Đông Nam.

Lúc tranh cử ông Trump nói muốn cải thiện quan hệ với Nga nhưng tháng trước ông Trump thừa nhận quan hệ Mỹ-Nga “đang ở mức xấu nhất trước nay”, sau sự kiện Mỹ nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria - một đồng minh của Nga.

Đây là lần đầu tiên ông Trump có sự đề cập rõ ràng và cứng rắn nhất về Nga. Lời nói của ông Trump đã giảm bớt lo ngại của NATO và các thành viên Liên minh châu Âu khi trước đây từng liên tục nói những lời thân thiện về Tổng thống Nga Vladimir Putin và muốn cải thiện quan hệ với Nga.

Tổng thống Mỹ Trump bắt tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các lãnh đạo thành viên NATO ngày 25-5. Ảnh: REUTERS

Nói chuyện tiền nong, lơ “phòng thủ tập thể”

Ông Trump đã không bỏ qua cơ hội làm áp lực với các lãnh đạo NATO chi nhiều hơn cho quốc phòng, chia sẻ nhiều hơn gánh nặng chi phí liên minh quân sự. Trước mặt các lãnh đạo NATO, ông Trump không ngần ngại chỉ trích các nước đã “nợ Mỹ một khoản tiền khổng lồ”.

“23/28 nước thành viên vẫn không chịu bỏ ra phần chi phí cần thiết cho quốc phòng. Điều này không công bằng với tiền thuế của người dân Mỹ” - ông Trump nói trong khi lãnh đạo các nước thành viên liếc nhìn nhau một cách không thoải mái phía sau ông. Trong cuộc gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 3, ông Trump cũng thúc giục Đức đáp ứng chỉ tiêu chi tiêu quốc phòng. Không chỉ Đức, nhiều thành viên chủ chốt NATO như Pháp, Ý, Tây Ban Nha đều có mức đóng khá thấp.

Ông Trump cam kết Mỹ “sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn bè đã sát cánh bên Mỹ”, tuy nhiên không nhắc đến Điều 5 của hiệp ước NATO về phòng thủ tập thể - một nước vì tất cả, tất cả vì một nước - đã có từ khi thành lập liên minh 68 năm trước. Năm ngoái ông Trump cũng từng làm các thành viên NATO bị choáng khi nói rằng Mỹ có thể sẽ chỉ bảo vệ các thành viên thực hiện đủ bổn phận đóng góp tài chính của mình cho khối. Động thái này của ông Trump không khỏi khiến nhiều chính trị gia và chuyên gia lo ngại.

NATO và cuộc chiến IS

Tại hội nghị, ông Trump chính thức đề nghị NATO tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến chống khủng bố, cảnh báo châu Âu sẽ còn hứng khủng bố như vụ đánh bom đẫm máu tại sân vận động Manchester vừa rồi.

NATO cho biết sẽ tham gia liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà Mỹ đang dẫn đầu, tuy nhiên sẽ không nắm vai trò chiến đấu trực tiếp. Thay vào đó, theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, tổ chức này sẽ tham gia bằng cách hỗ trợ máy bay giám sát, chia sẻ thông tin tình báo, tăng huấn luyện ở Iraq. Quyết định này của NATO có thể nói xuất phát một phần vì vụ đánh bom sân vận động Manchester mà IS lên tiếng nhận trách nhiệm.

Dù Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho đây là bước đi quan trọng của NATO, nhiều nhà ngoại giao nhận định quyết định này chủ yếu mang tính chính trị. Lúc chưa có quyết định này, phần lớn 28 nước thành viên NATO đều đã đóng góp vào cuộc chiến, tích cực trong chia sẻ tình báo và huấn luyện quân địa phương ở cả Iraq, Syria, Jordan.

Sau hội nghị NATO, ông Trump đã bay trở lại Ý tham dự hội nghị G7. Chuyến công du châu Âu của ông Trump phần nào bị lu mờ vì diễn ra cùng lúc với chuyến đi của người tiền nhiệm Barack Obama đến Ý và Đức.

Sáng 25-5, trong lúc ông Trump chuẩn bị dự các hội nghị NATO, EU ở Bỉ thì ông Obama có bài phát biểu tại Berlin (Đức) trước 80.000 khán giả, bên cạnh bà bạn Thủ tướng Angela Merkel. Ngày trước đó tại Ý, trong lúc ông Trump đang ở Rome bận rộn với lịch trình gặp gỡ Giáo hoàng Francis cùng các nguyên thủ Ý thì vợ chồng ông Obama thảnh thơi du lịch ở vùng Tuscany.

Các quan chức Đức cho biết chuyến đi của ông Obama được sắp xếp trước khi có lịch trình công du của ông Trump và bà Merkel sẽ phải bận rộn bay sang Bỉ dự hội nghị NATO và gặp ông Trump ngay sau khi tham dự buổi diễn thuyết của ông Obama. Theo Washington Post, so với ông Trump và nhiều người tiền nhiệm trước, ông Obama là lãnh đạo Mỹ được châu Âu mến mộ và tin tưởng nhất, đặc biệt ở Đức.

_______________________________

“Ông Trump cần phải nói điều mọi người tiền nhiệm - kể từ Tổng thống Truman - đã nói: Mỹ cam kết tuân thủ Điều 5. Ông ấy đã không nói. Đây là một đòn mạnh với liên minh. Thật thất vọng sâu sắc với việc ông Trump không tái cam kết tuân thủ hiệp ước phòng thủ tập thể. Cơ hội lớn đã bị bỏ lỡ” - Đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời ông Obama Ivo Daalder viết trên Twitter.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm