Tổng thống Mỹ Donald Trump sau hội nghị NATO tiếp tục chuyến công du con thoi, quay về Ý dự hội nghị G7 ở TP Taormina, vùng Silicy, với lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Nhật, Canada và Ý. Nga không tham gia hội nghị vì đã rời khỏi nhóm G7 từ năm 2014 sau khi sáp nhập bán đảo Crime từ Ukraine.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 26 và 27-5. Theo ABC News, các vấn đề được đề cập đến trong hội nghị lần này sẽ là biến đổi khí hậu, thương mại, nhập cư, khủng bố, Syria, Triều Tiên và kinh tế toàn cầu.
Các lãnh đạo G7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker chụp hình chung tại phiên khai mạc ở TP Taormina, vùng Silicy (Ý) ngày 26-5. Ảnh REUTERS
“Không nghi ngờ gì đây sẽ là hội nghị G7 nhiều thách thức nhất trong nhiều năm nay” - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk dự báo trước khi hội nghị diễn ra.
Theo Washington Post, chống khủng bố sẽ là vấn đề dễ có sự đồng thuận nhất, đặc biệt hội nghị diễn ra không lâu sau thảm họa đánh bom ở Manchester (Anh). Ngược lại vấn đề thương mại sẽ gặp nhiều bất đồng nhất quanh quan điểm bảo hộ của ông Trump.
Về vấn đề khí hậu, ông Trump sẽ chờ đến sau hội nghị G7 này mới ra quyết định có hay không rút Mỹ khỏi hiệp ước biến đổi khí hậu Paris, theo Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Các thành viên G7 vốn lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Biểu tình do tổ chức chống đói nghèo Oxfam tổ chức tại TP Taormina, vùng Silicy (Ý) ngày 25-5, trước hội nghị G7. Ảnh: AP
Ngoài ra, chính sách truy quét nhập cư trái phép, cấm dân một số nước Hồi giáo vào Mỹ của ông Trump trái với quan điểm của nhiều nước trong đó có Canada. Theo Thủ tướng Canada Justin Trudeau, dân nhập cư là nguồn lực mạnh mẽ, bền vững cho tăng trưởng.
Việc Ý chọn Sicily làm nơi tổ chức hội nghị không phải là ngẫu nhiên. Bản thân Sicily là tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng nhập cư của châu Âu, là điểm đến đầu tiên của hầu hết dân nhập cư từ các nước vào Ý. Đã có hơn 500.000 người nhập cư, chủ yếu từ châu phi khu vực hạ Sahara vào Ý năm 2014.