Theo The Wall Street Journal ngày 3-6, Đại tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã chỉ trích việc Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết của toà trọng tài quốc tế The Hague về vụ kiện của Philippines, cho rằng Bắc Kinh có nguy cơ gây bất ổn khu vực.
"Bất cứ khi nào chính phủ của một nước có chủ quyền nói họ sẽ không tôn trọng phán quyết của toà án, điều đó không giúp ích được gì", Wall Street Journal dẫn lời Đại tướng Petr Pavel hôm 3-6.
Đại tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nguồn: WSJ
Ông nói tiếp, hành động như thế "trở thành ví dụ cho các nước khác, rằng quy định chỉ dành cho kẻ yếu, và những kẻ mạnh có thể tự chọn giải pháp cho mình".
NATO ủng hộ "hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ" và những biện pháp hoà bình để giải quyết các mối bất hòa, Tướng Pavel nói.
Vị tướng cấp cao của NATO cũng cảnh báo: "Việc không tôn trọng các nguyên tắc này có thể dẫn đến bất ổn, tác động không chỉ đến khu vực mà là toàn cầu. Trung Quốc đã ký kết Công ước Liên hợp quốc về luật biển vì vậy họ cần tôn trọng luật lệ này. Nếu có bất cứ vấn đề nào phát sinh, họ cần xử lý thông qua các biện pháp thỏa đáng, chứ không phải là không tôn trọng luật lệ và hành động đơn phương".
Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn trọng các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông bởi chúng tôi không rõ về ý định của Trung Quốc ở đây. Nhưng chúng tôi sẽ ủng hộ bất cứ giải pháp khu vực nào dựa trên đàm phán về chính trị và ngoại giao”.
Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Straits Times, tướng Pavel cho hay NATO sẽ không không can thiệp quân sự vào tranh chấp Biển Đông, do tổ chức "không có cơ sở pháp lý" để làm điều này.
Tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, NATO ủng hộ các bên giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, hối thúc các bên tuân thủ các luật lệ quốc tế.
"Chúng tôi đang cố gắng ở trong khu vực của chúng tôi và không can thiệp và các vấn đề của khu vực khác", ông nói.
Liên minh 28 thành viên gồm các nước chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ dẫu vậy vẫn muốn ủng hộ các nước trong khu vực sẵn sàng phát triển năng lực quốc phòng, hoặc chia sẻ thông tin tình báo và các hoạt động tốt nhất về an ninh hàng hải, theo Straits Times.
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh tòa án trọng tài quốc tế The Hague (Hà Lan) dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách "đường lưỡi bò" ở Biển Đông. Bắc Kinh khăng khăng không tham gia vụ kiện và công kích toà là "lạm quyền" và tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết.
Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Cùng với những động thái hung hăng như xây đắp đảo nhân tạo, bố trí thiết bị quân sự trên biển Đông, chủ trương "vũ lực hóa" các lực lượng dân sự của Bắc Kinh càng gây thêm nhiều lo ngại an ninh cho khu vực.