Theo Reuters, khi phát hiện một con tàu lớn ngoài khơi bang Sarawak hồi tháng 3, các nhân viên trên tàu tuần tra của Malaysia đã vô cùng sửng sốt khi thấy con tàu này lao về phía họ với tốc độ cao, hú còi ầm ĩ có vẻ như đang đe dọa trước khi rẽ sang một hướng khác và để lộ dòng chữ “Hải cảnh Trung Quốc” trên thân tàu.
Theo một quan chức thuộc Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), tàu hải cảnh Trung Quốc từng nhiều lần xuất hiện xung quanh bãi cạn South Luconia, ngoài khơi thị trấn Miri thuộc bang Sarawak của Malaysia. Nhưng đây là lần đầu tiên tàu hải cảnh Trung Quốc có hành động “khiêu khích” như vậy.
“Đối với chúng tôi, nó giống như thể đang chuẩn bị tấn công tàu của chúng tôi, có thể là đe dọa”, quan chức giấu tên trên cho biết.
Tuy nhiên do “mối quan hệ đặc biệt” với Trung Quốc và phụ thuộc khá nhiều về thương mại và đầu tư, nên những phản ứng của Malaysia đối với các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực theo giới ngoại giao phương Tây là vẫn tương đối dễ dãi.
Malaysia đã coi nhẹ hai cuộc tập trận của hải quân của Trung Quốc năm 2013 và 2014 tại bãi cạn cách Sarawak hơn 50 hải lý. Và năm 2015, giới chức Malaysia gần như đã phớt lờ vụ việc mà ngư dân nước này tố cáo rằng họ bị các tàu hải cảnh có vũ trang của Trung Quốc đe dọa.
Tàu cá Malaysia neo đậu tại cảng cá Bintulu, bang Sarawak, Malaysia. Ảnh: Reuters
Một bộ trưởng cấp cao của Malaysia cho biết giờ đây Malaysia cần phải đứng lên chống lại những vụ xâm phạm hàng hải như vậy trong bối cảnh Trung Quốc dùng chính sách “phô trương cơ bắp” ở biển Đông.
Trong một sự việc hồi tháng 3, khi khoảng 100 tàu cá của Trung Quốc đi vào khu vực quanh bãi cạn South Luconia, Malaysia mới có những hành động cứng rắn hơn với Trung Quốc thay vì chỉ im lặng như trước đó.
Theo đó, Malaysia đã điều tàu hải quân để đối phó, đồng thời triệu tập đại sứ Trung Quốc yêu cầu giải thích rõ vụ việc. Và chỉ vài tuần sau đó, Malaysia đã công bố kế hoạch lập một căn cứ hải quân tiền tiêu gần Bintulu ở phía nam thị trấn Miri.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia nói rằng căn cứ này sẽ là nơi đồn trú các trực thăng, máy bay không người lái và một lực lượng đặc nhiệm nhằm bảo vệ tài nguyên dầu mỏ và khí đốt của nước này đang bị đe dọa bởi những kẻ ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoạt động ở phía nam Philippines. Tuy nhiên, một số quan chức và chuyên gia cho rằng căn cứ này lập nên chủ yếu là để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển nước này.
Nhấn mạnh tới thái độ cứng rắn hơn của Malaysia, một bộ trưởng liên bang cấp cao giấu tên nói với Reuters rằng Malaysia phải có những hành động mang tính kiên quyết hơn trước các hành động xâm phạm hàng hải của Trung Quốc.
Tháng trước, phát biểu tại quốc hội, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia cũng nhấn mạnh, giống như các nước ASEAN khác, Malaysia không công nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vốn nhằm tuyên bố chủ quyền phi lý 90% diện tích Biển Đông.