Ai gây ra căng thẳng ở biển Đông?

“Trung Quốc sẽ quyết giảm căng thẳng trên biển Đông?”. Đó là tựa đề bài bút chiến của hai học giả Raul Pedrozo và James Kraska ở Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton thuộc Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ.

Bài viết đăng trên báo The Straits Times ngày 31-5 nhằm phản bác bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ đăng trên báo này hôm 19-5.

Đại sứ Từ Bộ tố cáo Mỹ là thế lực chính gây căng thẳng trong khu vực. Ông cho rằng chuyến thăm biển Đông năm 2009 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khuyến khích các nước chuyển sang đối đầu với Trung Quốc.

Hai học giả Raul Pedrozo và James Kraska khẳng định luận điệu của ông Từ Bộ dựa trên nhận định sai trái, hiểu sai luật pháp và thực tế.

Thật ra Bắc Kinh cố tình sử dụng cưỡng ép để củng cố yêu sách chủ quyền ở biển Đông khiến các nước láng giềng phải cảnh giác chứ không vì chuyến thăm của bà Hillary Clinton.

Trung Quốc cho rằng Mỹ can thiệp vào biển Đông theo biếm họa của báo China Daily của Trung Quốc.

Các hành vi của Trung Quốc gồm:

- Quấy rối, dọa dùng vũ lực và cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam và Philippines từ năm 2011-2012.

- Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam và Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines từ năm 2014-2016.

- Chiếm bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 2015 và bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012.

- Tập trận ở bãi ngầm James trong các năm 2013-2014 và ngăn chặn hải quân Philippines tiếp tế cho tàu chiến Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây năm 2014.

- Đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, bồi đắp xây các đảo nhân tạo, lập cơ sở quân sự, lắp đặt radar và xây đường băng trên các thực thể này.

- Đưa tên lửa đất đối không đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hai học giả Raul Pedrozo và James Kraska nhận định các nước ASEAN bất đồng với Trung Quốc về vấn đề biển Đông bắt đầu từ lúc Trung Quốc chấm dứt thời kỳ trỗi dậy hòa bình và xoay qua bắt nạt các nước láng giềng.

Đại sứ Từ Bộ nói Mỹ kích động Philippines hủy đàm phán song phương với Trung Quốc nhằm kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực.

Trong khi đó, hai học giả cho rằng Philippines không hề tìm kiếm hoặc cần Mỹ cho phép mà suốt 20 năm qua, Philippines đã thất vọng với các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc.

Đại sứ Từ Bộ cho rằng Mỹ tạo ra mối đe dọa tự do hàng hải-hàng không ở biển Đông. Thật ra từ năm 2001, tàu chiến và máy bay Trung Quốc đã có vô số lần hành động khiêu khích nguy hiểm, không chuyên nghiệp, ngăn chặn máy bay Mỹ.

Trung Quốc đã ngăn chặn các tàu chiến Mỹ gồm John S. McCain năm 2009, Cowpens năm 2013, Chancellorsville năm 2016, USNS Bowditch trong những năm 2001-2008, Sumner năm 2002, Impeccable trong những năm 2009-2013 và Victorious năm 2009.

Trung Quốc cũng phát cảnh báo nghiêm trọng đối với các tàu chiến Ấn Độ như INS Airavat năm 2011, Shivalik năm 2012 cùng tàu chiến và máy bay Úc tiến hành quyền tự do hàng hải ở biển Đông trong năm 2015-2016.

Hai học giả Raul Pedrozo và James Kraska kết luận nếu Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ một trật tự quốc tế dựa theo luật pháp như câu chữ của Đại sứ Từ Bộ thì Bắc Kinh phải hành động theo đúng luật pháp quốc tế.

Mỹ thiết lập đối tác liên minh với năm nước trong khu vực gồm Úc, Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Đại sứ Từ Bộ nhận định các mối quan hệ này là quân sự hóa khu vực. Trong thực tế cấp độ hải quân của Mỹ và các đồng minh không hề thay đổi 20 năm qua. Trong năm năm qua, Mỹ chỉ chuyển ba tàu chiến cho hải quân Philippines trong khi Trung Quốc tung ra ba chiến hạm mới chỉ trong một ngày hồi năm ngoái.

____________________________

Thỏa thuận mới đây giữa Mỹ-Philippines cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các căn cứ Philippines là một phần của chương trình tái cân bằng vốn phát sinh từ việc Trung Quốc dồn dập tăng về số lượng lẫn chất lượng của tàu chiến và máy bay quân sự suốt 15 năm qua.

Hai học giả Raul PedrozoJames Kraska

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm