Vấn đề biển Đông ngày càng nóng bỏng không chỉ vì tranh chấp giữa các nước tuyên bố chủ quyền mà còn vì là cuộc đọ sức giữa một tổng thống Mỹ cần khẳng định cái uy lãnh đạo của một siêu cường, với một chủ tịch nước Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro, xem nhẹ sức mạnh quân sự của Mỹ, theo báo Washington Post (Mỹ) ngày 15-3.
Thế đối đầu ngày càng cao
Thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ở biển Đông đã rõ ràng, đậm nét từ ba năm trước khi ông Tập Cận Bình nhậm chức chủ tịch Trung Quốc (tháng 11-2012). Thế đối đầu này lại càng ngày càng tăng khi Trung Quốc liên tục bồi đắp đảo nhân tạo, triển khai tên lửa và radar ở biển Đông bất kể cảnh báo của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Obama những tưởng rằng Trung Quốc sẽ làm đúng theo bảo đảm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vườn Hồng (Mỹ) tháng 9-2015 rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế ở biển Đông.
Phát biểu tại một hội nghị kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tháng 11-2015, Tổng thống Obama một lần nữa nhắc nhở, cảnh báo Trung Quốc không có hành động hiếu chiến ở biển Đông: “Chúng ta (Mỹ và Trung Quốc) đã đồng ý cần phải có những bước đi giảm căng thẳng biển Đông, trong đó có lời hứa của Trung Quốc sẽ ngưng các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng và quân sự hóa biển Đông”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ nhắc nhở này. Những hành động sau đó của Trung Quốc lại đi ngược những điều chính ông Tập Cận Bình tuyên bố. Đó là triển khai tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm, lắp đặt hệ thống radar quân sự ở đá Châu Viên, một số trong rất nhiều đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở biển Đông.
Tàu USS Curtis Wilbur đi gần đảo Tri Tôn do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở biển Đông ngày 30-1. (Ảnh: AP)
Washington Post nhận định thế đối đầu, bất hòa của Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ càng đậm nét hơn khi hai ông Obama và Tập Cận Bình gặp nhau trong khuôn khổ hội nghị An ninh hạt nhân ở Mỹ ngày 31-3 tới.
Chiến lược ăn miếng trả miếng
Một sự việc có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông và làm căng hơn thế đối đầu của Mỹ và Trung Quốc là phản ứng của Trung Quốc với phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế The Hague về vụ kiện của Philippines. Phán quyết dự kiến sẽ có vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới và theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ khu vực Đông Á Kurt Campell cũng như nhiều chuyên gia nổi tiếng khác thì phán quyết này sẽ có lợi cho Philippines.
Đáp lại, Trung Quốc trước giờ luôn chỉ trích việc Philippines kiện mình ra tòa án trọng tài quốc tế và nhiều quan chức chính phủ Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyết bất lợi cho mình bằng cách thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông - nghĩa là máy bay các nước không được phép bay ngang biển Đông nếu không được Trung Quốc cho phép.
Đây là một sự khiêu khích nguy hiểm với Mỹ. Quan điểm của Bộ Quốc phòng Mỹ là ngay lập tức thách thức vùng ADIZ của Trung Quốc bằng cách triển khai máy bay quân sự đến biển Đông. Đó là điều Mỹ đã làm khi triển khai máy bay B-52 đến biển Hoa Đông tháng 11-2013, thách thức vùng ADIZ Trung Quốc tuyên bố thiết lập ở đây.
Cần lưu ý rằng Bộ Quốc phòng Mỹ được quyền chủ động quyết định và thực hiện các chuyến bay này mà không cần xin phép văn phòng tổng thống Mỹ duyệt. Bộ Quốc phòng lo rằng nếu phải xin phép thì có khả năng không được duyệt, theo Washington Post.
Văn phòng tổng thống Mỹ có hẳn một liên cơ quan chuyên trách để vạch kế hoạch đối phó với sự đối đầu này. Trong kế hoạch có một chiến lược mang tính "ăn miếng trả miếng". Theo đó, Mỹ sẽ giúp các nước có tranh chấp biển Đông với Trung Quốc như Philippines và Việt Nam xây dựng các đảo nhân tạo trên vùng biển Đông các nước này kiểm soát, tờ Washington Post cho biết.
Philippines từng có hành động tương tự năm 1999 khi triển khai một tàu lớn ra bãi cạn Scarborough, thường xuyên tiếp liệu cho tàu này trong khi máy bay không người lái của Mỹ hỗ trợ tuần tra bên trên.
Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campell cho rằng dù kế hoạch đối phó với Trung Quốc ở biển Đông có thế nào thì Mỹ cũng phải thật sự thận trọng. Vì theo ông, “Biển Đông không phải là Trân Châu Cảng, tuy nhiên nếu các bên không cẩn trọng nó có thể biến thành một phiên bản của Tiếng súng tháng 8 - (tên một cuốn sách sử lược, ngụ ý đến các tính toán sai lầm của các bên dẫn tới chiến tranh thế giới thứ nhất)".
Vấn đề của Mỹ bây giờ là làm sao để vừa trấn an được các đồng minh và đối tác tại Đông Nam Á rằng Mỹ không thụ động trước các đe dọa của Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ vừa tránh được nguy cơ xung đột quân sự ở biển Đông.
Ông Campell cho rằng hướng đi thông minh nhất của Mỹ là hợp tác với các nước Đông Nam Á thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài ra Mỹ còn có thể hội tụ máy bay và tàu từ các nước như Úc, Singapore, Ấn Độ và các nước châu Âu tuần tra biển Đông.