Đây là loại máy bay trinh sát sử dụng công nghệ tàng hình do Trung Quốc sản xuất và không trang bị vũ khí. Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một số tên lửa đất đối không HQ-9 (triển khai trên đảo Phú Lâm hồi tháng 2) đã được di chuyển từ cụm pháo phía bắc đảo đến vị trí khó tấn công hơn nếu xảy ra không kích.
Trước đó, báo The Guardian (Anh) đưa tin quân đội Trung Quốc chuẩn bị lần đầu tiên triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ra Thái Bình Dương. Báo cáo của Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ hôm 10-5 đã dự báo Trung Quốc sẽ dùng tàu ngầm hạt nhân tuần tra trong năm 2016.
The Guardian ghi nhận lý do chính để quân đội Trung Quốc triển khai tàu ngầm là do Mỹ dự kiến triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn ở Hàn Quốc. Bắc Kinh khăng khăng cho rằng hệ thống này sẽ đe dọa an ninh Trung Quốc.
Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban đã thông báo kết luận về sự cố máy bay tiêm kích Trung Quốc chặn máy bay Mỹ ở khoảng cách hơn 15 m hồi tuần trước trên biển Đông.
Ông nhấn mạnh hành vi nguy hiểm của máy bay Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận về Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) hai bên đã ký kết năm 2015 và nguyên tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế. Ông cho biết vụ này đã được đưa ra cuộc họp về Thỏa thuận Tham vấn hàng hải quân sự (hai nước ký kết năm 1998) ở Hawaii trong hai ngày 24 và 25-5.
Thông báo này nhằm bác bỏ tuyên bố ngay trước đó của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân bao biện rằng máy bay tiêm kích Trung Quốc thao tác hoàn toàn chuyên nghiệp và phù hợp với thỏa thuận về Quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển. Phía Trung Quốc còn cho rằng thỏa thuận này chỉ đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật và cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là Mỹ phải ngừng bay trinh sát gần Trung Quốc.
Trong khi đó, ngày 26-5, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo nêu rõ: “Mọi tranh chấp phải được giải quyết hòa bình thông qua thương lượng hữu nghị và thỏa thuận giữa các bên có liên quan, không quốc tế hóa hay bên ngoài can thiệp vào”.