Cụ thể hóa nguyên tắc trên, Điều 23 dự thảo BLTTHS (sửa đổi) và Điều 12 dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đều quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”. Tuy nhiên, dự thảo BLHS (sửa đổi) vẫn chưa bổ sung tội danh tương ứng để xử lý hành vi can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán và hội thẩm.
Thực tiễn thi hành hiếm thấy việc kỷ luật hoặc xử lý hình sự hành vi can thiệp vào công việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm. Không phải không có việc can thiệp mà do luật chưa có quy định để chế tài. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo BLHS (sửa đổi) cần bổ sung tội can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm.
Khi xây dựng điều luật về tội danh này, cần quy định cụ thể những hành vi bị coi là can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người can thiệp. Chẳng hạn hành vi dùng chức, quyền gây sức ép; lợi dụng cơ chế quản lý hành chính... để tác động, can thiệp vào việc giải quyết án của thẩm phán, hội thẩm. Có như vậy mới có thể xử lý, ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm, hạn chế tình trạng xử án oan, sai.
Song song với việc xây dựng luật, tôi cho rằng TAND Tối cao cần tổng kiểm tra, công khai xử lý, cương quyết bãi bỏ việc nhiều tòa án địa phương bắt thẩm phán phải “báo cáo án” dưới nhiều hình thức khác nhau (chỉ đạo miệng trong các cuộc họp nội bộ, chỉ đạo qua điện thoại, bằng văn bản, thông báo kết luận… của lãnh đạo).
Thẩm phán, hội thẩm có độc lập khi xét xử thì nguyên tắc tranh tụng trong xét xử mới được đảm bảo. Khi đó tòa mới thực hiện được đầy đủ quyền tư pháp, thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa