Lương cao, thấp khó bình
. Theo ông, mức thu nhập của lãnh đạo SCIC mà Kiểm toán Nhà nước nêu và mức thu nhập thực lãnh sau mà SCIC giải trình là thấp hay cao?
+ Theo tôi, quan trọng nhất là thu nhập phải dựa trên chế độ mà nhà nước quy định. Việc phê duyệt tiền lương của SCIC đã dựa trên Nghị định 206 và Nghị định 207 năm 2004 của Chính phủ. Nếu sai thì sửa, còn đúng thì mình bảo vệ.
So với các tổng công ty nhà nước khác thì tôi không có số liệu để nói. Bộ Tài chính có quản về lương đâu.
. Nhưng SCIC là doanh nghiệp rất đặc thù, chuyên kinh doanh vốn của nhà nước thì cơ sở để tính lương cũng phải khác chứ?
+ Tiêu chí tổng hợp thì vẫn phải dựa trên doanh thu, lợi nhuận như các doanh nghiệp khác nhưng về bản chất thì đúng là khác nhiều. Kinh doanh vốn không đơn giản là gửi ngân hàng hay đầu tư trái phiếu kiếm lời, mà là đầu tư vốn vào doanh nghiệp. Cho nên hiệu quả của SCIC thực chất là dựa vào hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước mà nó nắm giữ. Mà hiệu quả hoạt động tại từng doanh nghiệp, chẳng hạn đạt tỉ suất lợi nhuận 17% thì SCIC chỉ là một cổ đông, chỉ hưởng cổ tức sau khi trừ thuế, nên tính ra tỉ suất lợi nhuận trên vốn của SCIC chỉ đạt hơn 12%. Kết quả thấp có phần lý do đó.
Yếu kém thì khỏi làm đại diện vốn nhà nước
. Như ông nói thì có vẻ việc đánh giá hiệu quả kinh tế trong hoạt động của SCIC hiện còn lúng túng. Có cách nào để đo, đếm thuyết phục hơn?
+ Theo cách tính hiện nay, gần 7.000 tỉ đồng nguyên trạng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận trên sổ sách đến giờ đã có giá thị trường gần 30.000 tỉ đồng, tức vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển gấp bốn lần. Nhưng Bộ Tài chính đang đề xuất cách tính hiệu quả mới: định giá lại từng doanh nghiệp mà SCIC đang quản lý trước khi chuyển đổi. Bán đi mà hạch toán được giá cao hơn thì có hiệu quả. Như thế mới minh bạch, thuyết phục.
. Qua hai năm vận hành, có thể đánh giá thế nào về hiệu quả hoạt động này?
+ Tôi thấy có mấy việc làm được. Thứ nhất, ban hành được quy chế về tuyển chọn người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy chế về quyền và nghĩa vụ người đại diện cũng rõ hơn. Tuy nhiên, đi vào vận hành cụ thể sẽ phải tiếp tục cải tiến. Chẳng hạn, người đại diện vốn nhà nước mà lại được hưởng lương của chính doanh nghiệp đó thì rất dễ bị chi phối quyền lợi. Tiến tới SCIC phải nắm và tự trả lương cho những người đó trên cơ sở hiệu quả đồng vốn mà họ quản lý.
Thứ hai, SCIC đã thay một loạt người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp do làm ăn không đúng đắn hoặc mâu thuẫn nội bộ, kiện cáo. Kiên quyết thay, thế mà cũng có lúc bị kiện ra tòa đấy. Tổng Giám đốc Jetstar Pacific (ông Lương Hoài Nam - PV) là chúng tôi yêu cầu thay đấy chứ. Nhưng mình còn đang tìm người thay thế thì ông ấy từ chức. Chúng tôi chưa đồng ý vì còn phải giữ lại để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
. Với đặc thù của SCIC như vậy, theo ông thì cần bổ sung tiêu chí gì để định mức lương cho lãnh đạo, nhân viên tổng công ty này?
+ Tôi đang đề xuất ban hành mức trần lương lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Như thế doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ yên tâm hơn khi đề xuất, phê duyệt kế hoạch lương.
Trách nhiệm thì phải gánh thôi
. Đang bỏ cơ chế bộ chủ quản, UBND chủ quản doanh nghiệp nhưng bộ trưởng, các thứ trưởng đương chức lại kiêm nhiệm thành viên HĐQT SCIC. Có ý kiến cho rằng mô hình này vẫn bất cập. Là người trong cuộc, ông giải thích thế nào?
+ Đây là vấn đề mới, mô hình SCIC lại đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, vừa mày mò, vừa làm nên đại diện các bộ Kinh tế - Tài chính - Kế hoạch phải gắn vào. Đại diện sở hữu nhà nước suy cho cùng là vai trò của Thủ tướng. Nhưng để thực thi vai trò đó thì Thủ tướng phải giao cho các bộ ngành tham gia vào SCIC. Như mô hình Temasek của Singapore, đã có lúc Thủ tướng đứng vai chủ tịch HĐQT cơ mà.
Còn sau này mà hoàn thiện thì ý tưởng của tôi là không cần ngồi vào điều hành SCIC nữa. Luật lệ, chính sách đầy đủ rồi, có thể giao quyền lớn cho ban điều hành. Chứ như hiện nay, tên là “đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước” nhưng thực quyền ít lắm.
. Xin cảm ơn ông.
NGHĨA NHÂN thực hiện