Mở rộng Tân Sơn Nhất: Giải pháp nào tối ưu? - Bài 1

‘Nên mở rộng Tân Sơn Nhất về hướng Nam’

LTS: Thu hồi sân golf, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang là vấn đề được số đông quan tâm. Góp ý về việc này, một số chuyên gia đề nghị nên xây thêm đường băng ở diện tích đất sân golf hiện hữu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu xây thêm nhà ga, sân đỗ, đường giao thông nội bộ… sẽ hữu ích hơn.

Từ số báo này, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của các chuyên gia, góp ý các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Việc điều chỉnh quy hoạch để mở rộng, tăng công suất sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đã rất cấp bách. Theo quy hoạch của Bộ GTVT thì tới năm 2025 công suất của sân bay TSN là 25 triệu khách/năm. Nhưng trong năm 2016, sân bay này đã phục vụ tới 32 triệu khách và dự kiến năm 2017 sẽ tăng lên 36 triệu khách.

TSN đang thiếu nhà ga, sân đỗ

Muốn chọn phương án mở rộng tối ưu, trước tiên chúng ta cần đánh giá chính xác tình trạng hiện tại của sân bay TSN là thiếu nhà ga, sân đậu và thiếu đường ra vào sân bay chứ không phải là thiếu đường băng. Hiện số lượng máy bay của các hãng hàng không trong và ngoài nước rất nhiều và không ngừng tăng thêm. Vì thế mới có tình trạng máy bay đến TSN rồi nhưng cứ phải bay chờ trên trời vì sân bay không có chỗ đậu. Việc thiếu đường giao thông ra vào sân bay cũng đã tới mức báo động. Các trục đường hiện nay kết nối với sân bay như Trường Sơn, Hồng Hà, Bạch Đằng, Phổ Quang đều thường xuyên quá tải, tắc nghẽn, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng phần đất sân golf được thu hồi chưa nên dùng để xây đường băng thứ ba. Thay vào đó có thể xây dựng nhà ga hàng hóa, trung tâm bảo dưỡng máy bay, công ty suất ăn, trung tâm huấn luyện… để nâng công suất phục vụ hành khách. Tuy nhiên, công suất của sân bay TSN khó đạt quá 50 triệu khách/năm cho dù có xây thêm bao nhiêu nhà ga, sân đỗ, đường lăn đi nữa. Vì vậy, tôi ủng hộ phương án mở rộng sân bay về hướng Nam như Bộ GTVT đề xuất.

Họa đồ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Ở hướng mở rộng này có sẵn diện tích đất đã được Bộ Quốc phòng quy hoạch và bàn giao từ trước để xây nhà ga lưỡng dụng T3. Ở phía này cũng có đất doanh trại Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao cho Bộ GTVT để xây thêm nhà ga T4. Việc xây thêm hai nhà ga T3, T4 cùng phía với các nhà ga T1, T2 hiện hữu giúp kết nối hoạt động giữa các nhà ga dễ dàng, hiệu quả hơn nhiều so với khi các nhà ga bị ngăn cách với nhau bởi hai đường băng. Cùng đó, ở khu vực này đã có sẵn sân đỗ quân sự với diện tích khoảng 20 ha, chỉ cần sửa chữa, nâng cấp là khai thác dân dụng được. Toàn bộ phương án trên có thể làm nhanh nhất, ít tốn kém nhất để nâng công suất sân bay TSN lên 50 triệu khách/năm.

Về lý thuyết, sân bay một đường băng có thể đạt công suất 30-35 triệu khách/năm. Sân bay hai đường băng hoạt động độc lập (phải cách nhau tối thiểu 1.035 m theo quy định của ICAO - Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) có thể đạt công suất 60-70 triệu khách/năm. Trong khi hai đường băng hiện hữu của sân bay TSN chỉ cách nhau 365 m nên không thể hoạt động độc lập. Do đó 50 triệu khách/năm sẽ là một thách thức lớn, đòi hỏi cơ quan quản lý phải quy hoạch lại tổng thể vùng trời sân bay, tổ chức lại các luồng ra vào, các vùng bay chờ, điều chỉnh phương thức cất cánh, hạ cánh, nâng cấp trang thiết bị và con người…

Chưa nên xây thêm đường băng

Do đánh giá cao phương án mở rộng TSN về phía Nam nên tôi cho rằng việc mở rộng về phía Bắc, cụ thể là xây thêm một đường băng thứ ba cách đường băng hiện hữu 1.800 m để đưa công suất sân bay lên khoảng 70-80 triệu khách/năm là khó khả thi. Bởi với phương án này, số lượng nhà phải giải tỏa, di dời rất lớn, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm ngàn người. Hơn nữa đã đến lúc nên xác định rõ quy mô của sân bay TSN chỉ ở mức 50 triệu khách/năm. Để đáp ứng lượng khách vượt hơn, nên xem xét cho khai thác dân dụng một phần sân bay Biên Hòa và đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay Long Thành.

Tại sao lại chốt con số 50 triệu khách/năm? Đó là bởi sân bay TSN được xây dựng từ rất lâu, khi đó quy mô đô thị còn nhỏ, dân số ít… nên dù nằm trong TP nhưng chưa gây ra những hệ lụy phức tạp về môi trường, giao thông như bây giờ. Hiện xu thế của nhiều nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc,… đều không xây dựng sân bay với quy mô quá lớn trong trung tâm TP. Thay vào đó, các sân bay lớn, hiện đại thường cách trung tâm TP 30-50 km. Nước ta cần phát triển sân bay theo xu thế chung của thế giới. Quy mô 50 triệu khách/năm là quá lớn đối với một sân bay chỉ cách trung tâm 7 km như TSN.

TRÂM ANH ghi

Ba nhóm phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất

Trước đây, đơn vị tư vấn là Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC, thuộc Bộ Quốc phòng) đề xuất ba phương án:

1. Xây thêm đường cất cánh, hạ cánh phía Bắc và hai nhà ga hành khách trên đất sân golf trong sân bay hiện hữu;

2. Xây đường cất cánh, hạ cánh như nhóm 1 nhưng vị trí hai hoặc ba nhà ga hành khách được đặt ở phía Bắc và phía Nam sân bay;

3. Không xây thêm đường cất cánh, hạ cánh, chỉ xây thêm nhà ga hành khách, sân đỗ, khu kỹ thuật ở phía Bắc và phía Nam của sân bay.

Theo ADCC, nếu chọn phương án thuộc nhóm 1 sân bay TSN có thể đạt 60 triệu khách/năm nhưng cần 200.000 tỉ đồng với thời gian 10-15 năm (phải giải tỏa 626 ha, gồm 304 ha đất quân sự, sân golf và 322 ha đất của 140.000 hộ dân).

Nếu chọn phương án thuộc nhóm 2 thì công suất của TSN sẽ đạt đến 80 triệu lượt khách/năm, tốn từ trên 100.000-200.000 tỉ đồng, thời gian xây dựng cũng như nhóm phương án 1.

Hiện có xu hướng chọn một trong các phương án thuộc nhóm 3. Đó là sẽ xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa hai đường cất cánh, hạ cánh (25L/07R, 25L/07L) hiện hữu; xây hai nhà ga (mỗi nhà ga có công suất 10 triệu khách/năm); xây khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc. Phương án này chỉ nâng tổng năng suất sân bay TSN lên 43-45 triệu khách/năm và tổng mức đầu tư khoảng 19.350 tỉ đồng, thời gian xây dựng 2-3 năm.

MINH PHONG

_______________________

Kỳ tới: KTS Ngô Viết Nam Sơn: Thuê tư vấn nước ngoài nâng năng suất Tân Sơn Nhất

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm