Phim Đào phở và piano đã có một “số phận” khác hơn những phim được Nhà nước đặt hàng. Đại diện một đơn vị phát hành phim Đào, phở và piano thậm chí đã phải thốt lên trên trang cá nhân của mình rằng sau khi mở bán vé, chưa đầy 30 phút các suất chiếu đã lấp đầy gần như 95%. Đây là tiền lệ chưa bao giờ xảy ra ở cụm rạp này.
Ở các cụm rạp khác trên toàn quốc, phim Đào, phở và piano cũng tạo lập được những kỷ lục chưa từng có. Rất nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi đã “rồng rắn” xếp hàng vào rạp xem phim Đào, phở và piano.
Bỏ qua những yếu tố làm nên sức hút của bộ phim Đào, phở và piano, bỏ qua cả nội dung, kỹ xảo hay diễn xuất, vấn đề được nhiều người đề cập đó là việc truyền thông phim Đào, phở và piano đến với công chúng.
Nếu như phim Mai từng được công chúng biết do chiến dịch truyền thông rầm rộ từ trước khi phim ra rạp thì phim Đào phở và piano không nhiều người biết đến. Sau khi mạng xã hội giới thiệu, người ta mới ngạc nhiên khi biết được bộ phim Đào phở và piano do Nhà nước đặt hàng này đáng xem chẳng kém cạnh phim nào!
Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói: "Đến nay vẫn chưa có các quy định về việc trích tỉ lệ phần trăm doanh thu cho các đơn vị phát hành tư nhân đối với các phim do Nhà nước đặt hàng.
Các phim sử dụng ngân sách như phim Đào, phở và piano bị vướng cơ chế, chỉ được đầu tư kinh phí sản xuất chứ không có tiền cho quảng bá, phát hành. Hệ thống rạp lớn hầu hết là của tư nhân hay liên doanh với nước ngoài nên muốn phát hành ở các rạp đó thì phim phải phân chia lợi nhuận nhưng doanh thu của phim do Nhà nước đặt hàng lại phải nộp vào ngân sách”
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã miêu tả điều này bằng một cách nói thực tế: “Phim Nhà nước bỏ tiền ra sản xuất, phim sản xuất xong coi như Nhà nước hết trách nhiệm”. Trách nhiệm còn lại là để lan tỏa bộ phim đến với công chúng, hay từ dùng phổ biến ngày nay là PR.
Một nhà biên kịch khác, người đứng tên trong một bộ phim được Nhà nước đặt hàng “bật mí” với chúng tôi: “Ban đầu một rạp chiếu phim đề xuất chúng tôi chi ra 1 tỉ đồng để PR cho bộ phim. 1 tỉ đồng thì chúng tôi lấy đâu ra. Rạp khác giảm xuống còn 500 triệu đồng. Số đó chúng tôi cũng chịu!”.
Vậy nên sau khi được chiếu mấy suất ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia với lèo tèo mấy người đến xem, phim lại trở về kho với những “người anh em” cùng số phận khác. Có những phim sản xuất xong còn chưa ra đến rạp, vẫn im ỉm nằm đắp chiếu.
Có lẽ cũng xuất phát từ thực tế phim sản xuất xong là Nhà nước hết trách nhiệm mà nhà sản xuất lại không có tiền để PR nên có phim cũng rơi vào các tình huống tréo ngoe. Chẳng hạn, phim đã ra rạp, có sức hút, có đông người xem thì nhà sản xuất mới bắt đầu… làm trailer (đoạn giới thiệu).
Trong khi đó, có nhiều phim do tư nhân làm được nhiều người biết đến phần lớn là do có đầu tư bài bản từ kịch bản đến khâu truyền thông. Có những phim trước khi ra rạp một tháng, ngày nào cũng có thông tin trên báo chí và các nền tảng mạng xã hội.
Đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước là hoạt động thường xuyên, quan trọng trong lĩnh vực điện ảnh, nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như phát triển điện ảnh đa dạng, phù hợp với định hướng.
Tuy nhiên, những ý nghĩa to lớn của điều này sẽ trở nên thiết thực hơn khi phim được truyền thông rộng rãi, phục vụ được đông đảo công chúng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc và lịch sử của đất nước.
Do vậy, để phim nhà nước được công chúng biết đến nhiều hơn, ăn khách hơn thì cần phải tính đến yếu tố truyền thông, quảng bá cho phim trước khi ra rạp. Đừng để tình trạng phim làm xong phải đắp chiếu.