Ông Đoàn Minh Xương cho biết trong buổi tiếp xúc với giám đốc kỹ thuật bóng đá Campuchia đã nhìn sơ được kế hoạch và lộ trình của bóng đá quốc gia này đã có sự thay đổi căn bản. Đó là tập trung mạnh từ những cầu thủ nhí được đào tạo bài bản từ tuổi 10-12. Họ chấp nhận bỏ đi làm lại và xây từ móng với đào tạo trẻ làm nền tảng.
Còn nhớ giai đoạn 2013-2017, HLV người Hàn Quốc Lee Tae-Hoon được trao trọng trách dẫn dắt đội tuyển Campuchia và HLV này đã ngồi lại với những nhà làm bóng đá Campuchia để khắc phục điểm yếu cố hữu: Thể lực, tốc độ và tư duy chiến thuật ở các cầu thủ. Ông cùng các cộng sự mình bắt tay vào sửa chữa những thiếu sót mang tính tạm thời này. Song song đó là một lộ trình của giám đốc kỹ thuật bóng đá Campuchia với việc nâng cấp toàn diện bắt đầu từ thế hệ U-12 với sự đầu tư mạnh của nhà nước Campuchia và các tổ chức xã hội.
Sau giai đoạn cần phát triển nền tảng thể lực ở tầng trên, bóng đá Campuchia tìm thầy Brazil - HLV Vitorino, cũng là người từng trải và rất hiểu về bóng đá Đông Nam Á sau khi trải qua làm việc ở Thái Lan, Lào…
Bóng đá Campuchia tuy thấp hơn nhưng đang có sự tiến bộ rõ rệt để thu hẹp khoảng cách. Ảnh: HUY PHẠM
Chính các chuyên gia của bóng đá Campuchia từng thừa nhận họ không có nhiều tiềm năng và điều kiện như Việt Nam nên buộc phải làm theo cách riêng của mình để thu hẹp dần khoảng cách. Và bước đầu họ đã cho thấy sự thu hẹp lại rất nhanh mà rõ nhất là sự tiến bộ của đội U-23 lẫn đội tuyển của họ. Họ từng thắng Afghanistan, từng thủ hòa với U-23 Trung Quốc và mới đây đã khiến đội tuyển Việt Nam phải thật chật vật mới thắng được họ.
Trong khi đó thì điều đáng lo của bóng đá Việt Nam là công tác quản trị bóng đá như kiểu VFF hiện nay. Từ ủy viên Ban Chấp hành VFF đến lãnh đạo cao nhất của bóng đá Việt Nam hay những phó chủ tịch chẳng liên quan gì đến chuyên môn lại nắm quyền sinh sát về HLV, về định hướng của đội tuyển. Rồi có lúc ông giám đốc kỹ thuật của bóng đá Việt Nam thuê về nhưng đến SEA Games thì cả đội U-22 lẫn đội tuyển nữ đều “không nhận”…
Ủy viên Ban Chấp hành VFF thì chửi trọng tài và ví trọng tài Việt Nam được “đào tạo Trường Nguyễn Đình Chiểu”, lãnh đạo thì chỉ trích, xúc phạm nặng HLV trưởng. Những người chịu trách nhiệm về chuyên môn sau thất bại của U-22 thì đổ vấy hết cho HLV Hữu Thắng…
HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức và bị “ném đá”, bị đổ tội. Hay HLV Hoàng Anh Tuấn sau khi sẩy chân ở giải U-18 Đông Nam Á cũng bị búa rìu dư luận chỉ trích. Thậm chí là phó chủ tịch VFF cũng chỉ trích. Vậy thì ai còn dám làm đội tuyển nữa?
Một LĐBĐ quốc gia mà Hội đồng HLV Quốc gia, Ban chiến lược đều bị vô hiệu hóa hoàn toàn và bị “cướp cò” tất thì làm sao rút kinh nghiệm và làm sao bóng đá phát triển được?
Một hình ảnh thật khôi hài khi ông Dương Vũ Lâm, trưởng đoàn bóng đá nữ vô địch SEA Games 29, đang bận công tác ở Myanmar phải tức tốc bay sang Phnom Penh, nơi đội tuyển Việt Nam làm khách trước Campuchia đá vòng loại Asian Cup. Lý do bay sang là để lấy vận hên rồi tức tốc bay lại Myanmar để tiếp vận hên đó cho U-18.
Có ai nhìn sang Campuchia đang xây dựng hàng chục học viện bóng đá như ông Đoàn Minh Xương tìm hiểu và biết được. Có ai biết Campuchia nhận sự hỗ trợ của FIFA cùng với đó hàng loạt chuyên gia Nhật sang đứng đầu các học viện để họ làm mới nền bóng đá bị xem là non kém?