Nếu lỡ xảy ra cháy thì thoát ra bằng cách nào?

Trung tá Huỳnh Quang Tuyến- Phó phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM nhấn mạnh sự chủ động không bao giờ là thừa. Hỏa hoạn, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tang thương những ngày cận Tết

Các vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra vào những cuối năm khiến người dân không khỏi rùng mình.

Tầng trệt ngôi nhà trên đường Lê Văn Sỹ tan hoang. Ảnh: LÊ QUÂN.

Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào sáng 2-1 tại một căn nhà cấp 4 trong hẻm 207 đường Bạch Đằng, phường 15, Quận Bình Thạnh, TP.HCM khiến một người đàn ông tử vong

Chỉ sau đó hai ngày 4-1, người đàn ông luống tuổi chở thùng phuy để cắt nắp về nấu cám heo, ai ngờ thùng phuy phát nổ. Nắp thùng phuy bị thổi bay, cắt ngang bụng ông khiến ông tử vong tại chỗ.

Trước đó, rạng sáng ngày 16-12-2016, vụ cháy kinh hoàng tại ngôi nhà số 453/6 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3 (TP.HCM) xảy ra khiến cả sáu người trong một gia đình gồm hai vợ chồng, ba con nhỏ và một người cháu chết thảm. Không khí đau thương, tang tóc bao trùm cả con ngõ nhỏ. Tầng một ngôi nhà bị lửa thiêu rụi, gần như tan hoang. Những ô cửa chỉ còn trơ khung sắt. Cả ngôi nhà khang trang giờ đây chỉ còn là đống đổ nát. Theo một nguồn tin, khả năng vụ cháy là do chập điện.

Ở Quận 4, chỉ trong hai ngày 7 và 8-12-2016, liên tiếp xảy ra hai vụ cháy ở nhà dân trên đường Đoàn Văn Bơ. Trong đó, vụ cháy 8-12 khiến một bé trai 10 tuổi bị tử vong, người cha bị bỏng nặng.

Vụ cháy nổ tại số nhà 126D Trần Kế Xương (quận Phú Nhuận) vào trưa 6-12 khiến bốn người bị thương nặng. Dù các bác sĩ khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) nỗ lực cứu chữa, nhưng đến nay do bị sốc bỏng quá nặng, 3 trong số 4 nạn nhân đã tử vong.

“Nếu nhà mình chẳng may xảy ra cháy?”

Trong vụ cháy ngôi nhà ở Lê Văn Sỹ, một trong hai ngôi nhà bên cạnh có lan can khá thấp, các em có thể leo sang và tụt xuống.

Trao đổi với PV Báo Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Huỳnh Quang Tuyến- Phó phòng tham mưu Cảnh sát PCCC Tp.HCM nhấn mạnh sự chủ động không bao giờ là thừa. “Hỏa hoạn là điều không ai muốn xảy ra nhưng phải luôn đặt mình trong tình huống: nếu lỡ xảy ra cháy thật thì gia đình mình thoát ra ngoài bằng cách nào?”

Ông Tuyến cho biết: thực tế, nhiều gia đình có hai, ba lối thoát hiểm nhưng thậm chí vào ở cả chục năm rồi mà chẳng để ý.

“Lối thoát hiểm ở đây không chỉ là cửa chính, có thể là ban công, cầu thang thông lên tầng thượng, ngó sang nhà bên lan can có thấp không, có thể leo qua đó rồi xuống an toàn hay không? Khi thuê, mướn hay mua một ngôi nhà, nhà đẹp, rộng thôi chưa đủ mà phải xem, nếu không may xảy ra hỏa hoạn, có thể thoát ra bằng những lối nào! Từ đó phải nhanh chóng phổ biến cho mọi người trong gia đình.”

Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 8-12 tại căn nhà trên đường Đoàn Văn Bơ (Phường 18, Quận 4) khiến em bé 10 tuổi chết thảm vẫn là nỗi ám ảnh. Một cảnh sát PCCC cho biết, ngôi nhà đó có lối thoát hiểm, bằng chứng là 4 người trong căn nhà đó thoát ra được. Chỉ vì hoảng loạn mà bé trai và nhiều người khác thay vì chạy thoát ra lan can và cầu thang thì lại quay ngược về hướng cửa chính, gần vị trí cháy. Bé bị ngạt khói rồi chết. 

Hay như vụ cháy trên đường Lê Văn Sỹ, Quận 3 khiến 6 người tử vong. Hành động nhảy lầu của bốn bạn sinh viên là rất gan dạ, dũng cảm. Nhưng thực tế, nếu ngay từ đầu, khi vào thuê trọ, các em quan sát sẽ thấy tường nối liền của một trong hai nhà bên cạnh khá thấp, các em có thể leo qua để đi xuống an toàn chứ không cần phải nhảy lầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới