New York Times dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ và một số nhà ngoại giao nước ngoài cho biết như trên.
Nhà Trắng nói chưa có quyết định chính thức chuyện rời Hiệp định INF. Trong khi đó, nguồn tin quan chức Mỹ nói với New York Times rằng ông Trump dự kiến sẽ ký quyết định rời Hiệp định INF trong vài tuần tới.
Ông Bolton (phải) được Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) đón tiếp trong chuyến thăm ngày 27-6. Ảnh: SPUTNIK
Hiệp định INF được ký năm 1987, một năm sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev.
Hiệp định INF cấm mọi tên lửa trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung có tầm bắn 500-5.500 km, cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và mang đầu đạn thông thường.
Một mục tiêu mà Mỹ nhắm đến khi ký Hiệp định INF là ngăn chặn tên lửa tầm trung SS-20 Saber của Liên bang Xô viết. SS-20 là nỗi khiếp sợ của châu Âu vì có thể nhắm bắn bất kỳ mục tiêu nào ở châu Âu nhưng không bắn được tới Mỹ.
Tên lửa tầm trung SS-20 Saber của Liên bang Xô Viết. Ảnh: WIKIPEDIA
Theo nội dung Hiệp định INF, hai bên đã cắt giảm 2.692 tên lửa. Cụ thể, Mỹ cắt giảm 846 tên lửa, trong đó có các tên lửa mình đã triển khai ở Tây Âu nhằm đối phó với SS-20. Nga cắt giảm 1.846 tên lửa, trong đó có SS-20.
Việc ký Hiệp định INF là một bước đi rất quan trọng lúc đó nhằm làm giảm căng thẳng chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, sau ba thập niên thì mọi chuyện đã khác.
Từ năm 2014 đến nay Mỹ vẫn cáo buộc Nga vi phạm Hiệp định INF khi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bị cấm để đe dọa các nước châu Âu và các nước thuộc Liên bang Xô viết cũ nay thân phương Tây. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama vẫn chọn ở lại với INF, chủ yếu vì sự phản đối của châu Âu, đặc biệt là của Đức, cũng như vì lo ngại có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang.
Tuy nhiên, chính phủ ông Trump thì cứng rắn hơn. Chính phủ này đã liệt kê các vi phạm của Nga trong văn bản về chiến lược hạt nhân công bố đầu năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vài tuần nay nhiều lần công khai đưa vấn đề này ra, nói các vi phạm của Nga không thể chối cãi được và ám chỉ Mỹ sẽ cân nhắc lại chuyện rút khỏi hiệp định.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachyov (trái) và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (ngồi, phải) ký Hiệp định INF tại Henxinki (Phần Lan) năm 1987. Ảnh: WIKIPEADIA
Mặt khác, Hiệp định INF cũng ngăn trở Mỹ triển khai vũ khí mới nhằm đối phó với các nỗ lực củng cố vị thế ở Tây Thái Bình Dương và kìm giữ các lực lượng hải quân Mỹ của Trung Quốc. Trung Quốc không tham gia Hiệp định INF, vì thế không bị giới hạn trong việc phát triển tên lửa hạt nhân tầm trung có thể bắn xa hàng ngàn kilomet.
Theo New York Times, hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đã vào cuộc phát triển vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với những vũ khí Trung Quốc đã triển khai. Tuy nhiên, việc này sẽ mất hàng năm. Trong quá trình đó Mỹ sẽ điều chỉnh lại các hệ thống vũ khí hiện tại để đối phó, trong đó có hệ thống tên lửa phi hạt nhân Tomahawk, và khả năng sẽ triển khai đầu tiên ở châu Á. Các địa điểm triển khai có thể là Nhật hoặc đảo Guam, theo nguồn tin của New York Times.
Hiện tên lửa Tomahawk được triển khai trên tàu chiến Mỹ. Ảnh: NBC NEWS
Chưa rõ việc Mỹ rời Hiệp định INF nếu thành sự thật sẽ tác động thế nào tới quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu.
Chuyên gia hạt nhân Jon Wolfsthal tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ thời chính phủ Obama dự báo chuyện Mỹ rút khỏi Hiệp định INF sẽ khiến châu Âu phản ứng mạnh.
“Mọi thứ vừa lặng xuống. Chuyện này sẽ là một quả lựu đạn nữa ném vào giữa NATO để chia rẽ các đồng minh” - ông Wolfsthal nói.
Trong khi đó, chuyên gia Hans M. Kristensen, Giám đốc dự án Thông tin hạt nhân tại tổ chức Liên hiệp Các nhà khoa học hạt nhân Mỹ, lo ngại “việc hiệp định sụp đổ khả năng sẽ mở đường cho một cuộc chạy đua tên lửa ở châu Âu và những nơi khác”.