Ngã 3 đèn đỏ, xe máy có được đi thẳng không?

(PLO)- Khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ bắt buộc các phương tiện giao thông phải dừng lại. Tuy nhiên, có một số trường hợp xe máy được phép đi thẳng khi gặp đèn đỏ...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bản thân tôi đã nhiều lần tranh luận với người thân và bạn bè chỉ vì tôi muốn giải thích cho họ hiểu rằng người điều khiển xe máy không được phép tiếp tục di chuyển khi gặp đèn đỏ ở ngã ba. Tuy nhiên, người thân và bạn bè tôi cho rằng ở ngã ba thì xe máy luôn được phép đi thẳng khi gặp đèn đỏ.

Xin hãy lý giải giúp tôi việc xe máy có được đi thẳng khi gặp đèn đỏ ở ngã ba không? Và những trường hợp nào xe máy mới được tiếp tục đi thẳng khi gặp đèn đỏ. Xin cảm ơn!

Bạn đọc Tú Văn (TP.HCM)

Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Có 4 trường hợp xe máy được tiếp tục đi thẳng khi gặp đèn đỏ.

Thứ nhất: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Theo khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Đồng thời, tại khoản 4.1 Điều 4 QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT cũng quy định khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu khác nhau ở cùng một khu vực thì người tham gia giao thông phải ưu tiên chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau: Người điều khiển giao thông - Đèn tín hiệu - Biển báo hiệu - Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

Theo quy định, khi đi đường gặp đèn đỏ thì xe máy hoặc các loại phương tiện giao thông phải dừng xe, chờ khi đèn chuyển sang màu xanh thì mới được đi tiếp. Tuy nhiên, với quy định trên, nếu người điều khiển giao thông có hiệu lệnh cho phép đi tiếp thì người tham gia giao thông có quyền tiếp tục di chuyển mà không cần phải chờ đến khi đèn xanh.

Khi gặp đèn đỏ mà người điều khiển giao thông cho phép đi thẳng thì xe máy được phép đi thẳng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Khi gặp đèn đỏ mà người điều khiển giao thông cho phép đi thẳng thì xe máy được phép đi thẳng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Thứ hai: Đèn tín hiệu cho phép tiếp tục đi thẳng

Đèn tín hiệu ưu tiên (là đèn tín hiệu phụ, lắp kèm theo đèn tín hiệu giao thông) có mũi tên đi thẳng màu xanh hoặc có hình xe mô tô kèm mũi tên đi thẳng màu xanh cho phép xe máy được tiếp tục đi thẳng khi gặp đèn đỏ.

Khi gặp đèn đỏ nhưng cạnh bên có đèn tín hiệu cho phép đi thẳng thì xe máy có quyền đi thẳng. Ảnh: HUỲNH THƠ
Khi gặp đèn đỏ nhưng cạnh bên có đèn tín hiệu cho phép đi thẳng thì xe máy có quyền đi thẳng. Ảnh: HUỲNH THƠ

Thứ ba: Biển báo phụ cho phép đi thẳng

Biển báo phụ có nền xanh, chữ trắng được đặt dưới cột đèn giao thông. Khi gặp biển báo này, xe máy hoàn toàn có quyền đi thẳng mà không cần phải dừng lại khi gặp đèn đỏ.

Thứ tư: Vượt đèn đỏ trong một số tình huống đặc biệt

Căn cứ Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), người vi phạm lỗi vượt đèn đỏ sẽ không bị phạt trong một số trường hợp sau: Vượt đèn đỏ trong tình thế cấp thiết; Vượt đèn đỏ do phòng vệ chính đáng; Vượt đèn đỏ do sự kiện bất ngờ; Vượt đèn đỏ do sự kiện bất khả kháng.

Nếu không thuộc một trong những trường hợp trên mà xe máy vẫn tiếp tục đi thẳng khi gặp đèn đỏ thì sẽ bị phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Mức xử phạt được căn cứ Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021), cụ thể:

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 800.000 – 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 4 triệu – 6 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng; từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn.

- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 3 tháng; từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm