Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga – ông Vyacheslav Volodin ngày 12-6 cho biết ý tưởng cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trong bối cảnh xung đột giữa Kiev và Moscow đang diễn ra có thể gây ra “xung đột hạt nhân ở trung tâm châu Âu”.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga – ông Vyacheslav Volodin. Ảnh: DUMA.GOV.RU |
Theo đài RT, ông Volodin đưa ra bình luận trên nhằm đáp lại phát biểu Radoslaw Sikorski, thành viên Nghị viện châu Âu từng làm Chủ tịch Hạ viện và Ngoại trưởng Ba Lan. Ông này nói rằng phương Tây “có quyền” gửi vũ khí hạt nhân cho Ukraine.
“Với những nghị sĩ như vậy, người châu Âu sẽ gặp phải những rắc rối nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì họ đã phải đối mặt ngày nay – người tị nạn, lạm phát kỷ lục, khủng hoảng năng lượng” – ông Volodin viết trên mạng xã hội.
Chủ tịch Hạ viện Nga nói thêm: “Ông ấy (nghị sĩ Sikorski) không nghĩ về tương lai của Ukraine hay Ba Lan. Nếu đề xuất của ông ấy thành hiện thực, những quốc gia đó sẽ ngừng tồn tại, cùng với toàn bộ châu Âu”.
Ông Volodin nói cựu Chủ tịch Hạ viện Ba Lan nên bị tước quyền, buộc giám định sức khỏe tâm thần và bị nhốt trong nhà, theo tờ Pravda.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga – bà Maria Zakharova cũng cho rằng phát biểu của ông Sikorski gây nguy hiểm cho người dân Ba Lan.
Ông Sikorski, từng làm ngoại trưởng Ba Lan trong 7 năm trước khi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hạ viện nước này từ tháng 9-2014 đến tháng 6-2015, đưa ra ý tưởng cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Espreso TV của Ukraine ngày 11-6.
Ông Sikorski cáo buộc Nga vi phạm Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 - thỏa thuận được Ukraine, Nga, Anh và Mỹ ký kết. Theo thỏa thuận này, Kiev giao nộp kho vũ khí hạt nhân mà nước này được thừa hưởng sau khi Liên Xô sụp đổ để đổi lấy các đảm bảo về độc lập, chủ quyền, an ninh và lợi ích kinh tế.
“Phương Tây có quyền cung cấp cho Ukraine các đầu đạn hạt nhân để nước này có thể bảo vệ nền độc lập của mình” – ông Sikorski nói.
Ông Radoslaw Sikorski. Ảnh: EUROPEAN INTEREST |
Cựu Chủ tịch Hạ viện Ba Lan cáo buộc Nga đe dọa Ukraine bằng vũ khí hạt nhân và cho rằng phương Tây phải “ngăn chặn” Moscow.
Tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexey Zaytsev bác bỏ cáo buộc cho rằng Moscow đang có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. “Sẽ không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và điều đó sẽ không xảy ra” - ông Zaytsev cho biết khi đó.
Tại một hội nghị an ninh ở Munich (Đức) vào ngày 19-2, Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky đã nhắc lại Bản ghi nhớ Budapest. Ông cảnh báo rằng thỏa thuận này sẽ không còn hiệu lực nếu an ninh của Ukraine không được đảm bảo hoàn toàn.
“Ukraine đã nhận được các đảm bảo an ninh để đổi lấy việc loại bỏ kho hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Chúng tôi không có các vũ khí như vậy. Chúng tôi cũng không có sự đảm bảo” – Tổng thống Zelensky nói.
Vào ngày 24-2, tức chưa đầy một tuần sau hội nghị Munich, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine với lý do Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014. Thỏa thuận do Đức và Pháp làm trung gian này được thiết kế để trao cho các vùng ly khai ở Ukraine quy chế đặc biệt trong nhà nước Ukraine.
Moscow liền sau đó tuyên bố công nhận các nước vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine là những quốc gia độc lập.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu. Về phần mình, Ukraine khẳng định chiến dịch quân sự của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ cáo buộc đang có kế hoạch giành lại Donetsk và Luhansk bằng vũ lực.
Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh việc Ukraine có vũ khí hạt nhân sẽ là một “mối đe dọa thực sự” đối với Nga.