Nga dùng chiêu 'phân tán' khí tài, đối phó HIMARS của Ukraine?

(PLO)- Chuyên gia nhận định Nga dùng chiêu “phân tán” khí tài, thay vì giữ chúng chung một chỗ. Điều này giúp giảm thiểu số vũ khí, đạn dược bị Ukraine dùng HIMARS phá hủy cùng lúc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo ông Jack Buckby - một nhà nghiên cứu chống chủ nghĩa cực đoan, và là một nhà báo Mỹ, các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đã giúp Kiev phá hủy một số kho đạn của Nga và làm thay đổi đáng kể cục diện chiến trường miền đông Ukraine.

Theo đó, trả lời tờ Sky News, ông Oleksiy Danilov - Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine - nói rằng Nga dường như đang thực hiện chiến thuật mới chống lại các hệ thống HIMARS nói trên. Ông Danilov mô tả chiến thuật mới của Nga là chiến thuật “phân tán”, song nhận định nó “không giúp ích gì” cho Moscow.

Chiến thuật mới của Nga

Về chiến thuật mới, ông Danilov nói rằng các lực lượng Nga đang phân tán vũ khí và đạn dược, thay vì cất giữ trong các kho đạn. Chiến thuật này nhằm mục đích bảo vệ số vũ khí này, giúp chúng không bị các đợt tập kích của Ukraine phá hủy cùng lúc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phía Kiev phải triển khai nhiều tên lửa, đạn dược hơn để nhắm mục tiêu vào các vị trí của Nga, cũng như ngăn quân Ukraine giành được chiến thắng đáng kể.

Quân Ukraine nã pháo. Ảnh: CREATIVE COMMONS

Quân Ukraine nã pháo. Ảnh: CREATIVE COMMONS

Tuy nhiên, ông Danilov chỉ ra rằng chiến thuật này không hiệu quả khi Ukraine tiếp tục nhận được HIMARS và đạn dược mới từ phương Tây. Vào tháng 7, Ukraine cho biết hệ thống tên lửa HIMARS đã giúp quân Kiev phá hủy tới 50 kho đạn của Nga kể từ khi nhận lô HIMARS đầu tiên hồi tháng 6.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - ông Oleksiy Reznikov nói rằng vũ khí này đã thay đổi đáng kể cách Ukraine chiến đấu với Nga, giúp Kiev cắt đứt tuyến hậu cần của Moscow. Theo ông, HIMARS làm giảm đáng kể năng lực chiến đấu của Nga và giúp quân Ukraine phòng thủ và đẩy lùi quân Moscow tốt hơn.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, Ukraine đã làm hư hỏng nặng hai cây cầu quan trọng ở tỉnh Kherson (miền nam Ukraine) do Nga kiểm soát. Tuần trước, giới chức Ukraine cho biết Kiev đã phá hủy cây cầu cuối cùng bắc qua sông Dnipro ở Kherson, gây thiệt hại nghiêm trọng các tuyến tiếp tế của Nga.

Họ nói rằng điều này có thể biến mục tiêu giành lại quyền kiểm soát Kherson của Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky trở thành hiện thực. “Đối với Nga, HIMARS là đồng nghĩa với từ ‘chết’” - ông Danilov nhấn mạnh.

Nga cũng nói rằng đã phá hủy một số hệ thống tên lửa HIMARS, nhưng Ukraine đều khẳng đó là những tuyên bố sai sự thật.

Câu hỏi hóc búa cho Nga

Trong bài viết trên tờ 19fortyfive, ông Stavros Atlamazoglou - cựu chiến binh quân đội Hy Lạp, chuyên gia về các hoạt động tác chiến đặc biệt - nhận định sau nhiều tháng giao tranh ác liệt, quân đội Nga đang phải vật lộn với một câu hỏi hóc búa về chiến lược ở Ukraine: Tấn công ở Donbass hay phòng thủ ở miền nam?

Các lực lượng Nga đang cố gắng tiến hành các hoạt động trên hai mặt trận cùng lúc, theo Bộ Quốc phòng Anh. Tuy nhiên, hai nỗ lực này dựa vào hai nguồn quân khác nhau, và do đó có khả năng hiệu quả chiến trường sẽ rất khác nhau.

Tại Donbass (hoặc ít nhất là 1 phần Donbass), các hoạt động tấn công của Nga chủ yếu dựa vào lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn. Cũng có thông tin cho rằng ngoài lính Nga, bộ phận lính đánh thuê Wagner cũng có mặt và dẫn đầu các hoạt động của Moscow tại khu vực này.

Ở phía nam, quân đội Nga tiếp tục tăng cường năng lực phòng thủ nhằm chuẩn bị sẵn sàng đối phó chiến lược phản công của Ukraine tại 2 TP Kherson và Zaporizhzhia. TP Kherson là địa phận cực kỳ quan trọng mà quân Moscow cần phải giữ được nếu muốn tiến lên phía bắc Ukraine.

Bàn về thương vong của Nga, ông Atlamazoglou nói rằng quân đội Nga vẫn liên tục tổn thất nhân lực trên chiến trường miền đông, khiến mọi kế hoạch tấn công ở Donbass đều bị thất bại.

Tính đến ngày 14-8, theo Bộ Quốc phòng Ukraine, Nga đã tổn thất 43.550 binh sĩ, 1.211 phương tiện bay các loại, 1.864 xe tăng, 261 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), 136 khẩu đội phòng không, 4 hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander, cùng nhiều loại vũ khí khác.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm