Nga làm căng chuyện Ukraine để dò động thái NATO và Mỹ?

Căng thẳng Nga - Ukraine đang ở mức cao nhất trong nhiều năm với thông tin tình báo từ Mỹ và Ukraine rằng Nga tập trung hơn 100.000 binh sĩ ở khu vực biên giới, chuẩn bị tấn công Ukraine vào đầu năm tới. Moscow đến nay tiếp tục phủ nhận các thông tin này, đồng thời cáo buộc rằng sự hỗ trợ của NATO với Ukraine - bao gồm cả việc tăng cường cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự - mới là mối đe dọa ngày càng lớn ở biên giới phía tây của Nga.

Giải mã động thái của Nga

Trên thực tế, việc Nga đột ngột tăng quân ở biên giới với Ukraine không phải là chuyện mới. Đầu năm nay, Nga từng điều hơn 100.000 quân ra khu vực này nhưng sau đó rút quân. Vì vậy, không nên xem diễn biến gần đây là điều gì đó quá bất thường và khả năng nổ ra xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa tới mức báo động, hãng tin Reuters dẫn nhận định của chuyên gia Samir Puri thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS).

Binh sĩ Nga trong cuộc tập trận Zapad-2021 với lực lượng Belarus hồi tháng 9. Ảnh: REUTERS

Nếu có thể rút ra nhận xét gì đằng sau các bước đi gây sức ép quân sự của Moscow cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang rất nghiêm túc trong việc bảo vệ các “lằn ranh đỏ” trước Ukraine. Moscow gần đây nhiều lần khẳng định không chấp nhận việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine, hay có bất kỳ sự hiện diện quân sự nào tại Ukraine. Nga cũng phản đối mạnh khả năng Ukraine trở thành một thành viên của NATO.

Tuy nhiên, dường như những phản đối như vậy từ Nga không mang lại nhiều kết quả khi từ tháng 4, Mỹ và các đồng minh có động thái tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Cụ thể, Mỹ thông báo sẽ cung cấp gói hỗ trợ quân sự trị giá 125 triệu USD cho Ukraine, trong đó có các tàu tuần tra bờ biển và thiết bị radar. Tới tháng 6, Mỹ tiếp tục cung cấp gói hỗ trợ bổ sung trị giá 150 triệu USD cho Ukraine.

“Bằng những đợt điều quân quy mô lớn như thời gian qua, ông Putin đang khiến các đối thủ của Nga phải suy đoán về ý định của mình và nhắc nhở Mỹ cùng NATO rằng Nga là một thế lực mà họ không thể phớt lờ. Việc duy trì trạng thái đe dọa quân sự thường trực kết hợp với ngoại giao cứng rắn cho phép Moscow củng cố vị thế của mình trong trật tự an ninh châu Âu” - theo ông Puri.

Mỹ và đồng minh sẽ phản ứng ra sao?

Theo hãng tin ABC, Mỹ và các đồng minh NATO đang thảo luận về các biện pháp đáp trả nếu Tổng thống Putin có hành động quân sự chống lại Ukraine. Điều này bao gồm kế hoạch hỗ trợ an ninh hơn nữa cho Kiev và gia tăng trừng phạt Moscow. Phương Tây từng trừng phạt Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và có thể gia tăng cường độ của các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như ngăn cản đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga vận hành.

Về phía NATO, hiện chưa rõ liệu khối này sẽ hành động như thế nào nếu kịch bản trên xảy ra bởi Ukraine không phải là thành viên của liên minh này. Tuy nhiên, việc không hành động gì có thể khiến NATO trở thành bên đứng ngoài cuộc chơi và liên minh này không hề mong muốn điều này. Khả năng Mỹ và NATO cùng phối hợp có một phản ứng quân sự chống lại Nga cũng khá thấp.

Ngay Tổng thống Mỹ Joe Biden khi phát biểu sau cuộc đối thoại trực tuyến với ông Putin ngày 8-12 đã phủ nhận khả năng Mỹ sẽ đưa quân vào Ukraine nếu Nga thực sự đổ quân tấn công nước này. Theo ông Biden, Mỹ có trách nhiệm đạo đức và luật pháp với các đồng minh NATO trong trường hợp một thành viên bị tấn công nhưng Ukraine hiện không phải là thành viên của khối. Tuy nhiên, ông Biden cũng khẳng định ông đã cảnh báo ông Putin rằng trong trường hợp Moscow tấn công Kiev sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và an ninh. •

 

Ngày 10-12, trang tin The Drive cập nhật nhiều hình ảnh cho thấy Moscow đã điều động thêm một số hệ thống phòng không Buk-M1 và thiết bị đi kèm, xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U và pháo tự hành Msta-S đến sát biên giới với Ukraine. Nhiều khí tài bị xóa số hiệu, dường như để gây khó khăn cho nỗ lực xác định đơn vị biên chế.

Sau ông Putin, ông Biden tiếp tục đối thoại với ông Zelensky

Ngày 9-12, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nội dung điện đàm là về cuộc họp giữa ông Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7-12, về khủng hoảng vùng Donbass và vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine, đài RT đưa tin.

Trong tuyên bố sau cuộc điện đàm đăng trên trang Twitter chính thức, Tổng thống Zelensky cám ơn Tổng thống Biden đã tiếp tục ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Hai bên cũng đã thảo luận về các phương án khả thi để giải quyết xung đột ở Donbass và quá trình cải cách nội bộ ở Ukraine.

Ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng tổng thống Ukraine, cũng chia sẻ với báo chí rằng trong cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Zelensky, ông Biden đã hứa hỗ trợ quân sự cho Ukraine chống lại “sự tấn công từ bên ngoài”. Ông Biden cũng khẳng định đối với Washington, việc Ukraine trở thành thành viên NATO là một quyết định hoàn toàn có lợi cho người dân Ukraine và liên minh NATO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm